21.000 công nhân gặp khó khi di dời KCN lâu

76 doanh nghiệp với hàng chục nghìn lao động đối mặt khó khăn khi Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 phải rời đi, nhường chỗ cho dự án đô thị thương mại.

Xí nghiệp cao su Đồng Nai thuộc Tổng công ty công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina) hình thành ở KCN Biên Hòa 1 hơn 20 năm. Đơn vị có hai xưởng chuyên sản xuất lốp xe tải nhẹ. Mới đây, tỉnh Đồng Nai thông qua đề án chuyển đổi khu công nghiệp này thành khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông. Theo kế hoạch, xí nghiệp phải di dời vào cuối năm sau.

Công nhân Xí nghiệp cao su Đồng Nai trong giờ sản xuất, chiều 1/3. Ảnh: An Phương

Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina, cho biết trước mắt một xưởng sản xuất rộng 2 ha của đơn vị với doanh thu mỗi năm 600 tỷ đồng phải rời đi. “Chúng tôi khá rối bởi đề án đưa ra hạn cuối di dời nhưng chính quyền chưa có phương án hỗ trợ rõ ràng cho doanh nghiệp”, ông Phú nói.

Theo lãnh đạo Casumina, xí nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn khi di dời. Đầu tiên là hơn 200 lao động đang làm việc, hầu hết đã lớn tuổi, có cuộc sống an cư ở Biên Hòa nên khó đi theo xí nghiệp đến nơi mới. Tuy nhiên, nếu ở lại họ khó tìm được việc làm mới bởi tuổi tác và đặc thù ngành nghề. Trong khi đó, nếu không mang được lao động theo, công ty phải xây dựng bộ máy quản lý mới, tuyển và đào tạo lại nhân lực mất nhiều thời gian.

Một khó khăn khác doanh nghiệp phải đối mặt là kinh phí di dời và xây dựng nhà xưởng mới. Theo ông Phú, khi đặt nhà máy ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, xí nghiệp xác định gắn bó lâu dài nên đầu tư máy móc, thiết bị. Sau khi khấu hao, thời hạn thuê đất còn hơn 20 năm chính là giai đoạn nhà xưởng sinh lời nhưng phải di dời.

Doanh nghiệp phải chuẩn bị cả nghìn tỷ đồng để xây dựng một xưởng ở nơi mới. Hiện đơn giá thuê mỗi m2 đất trong vòng 50 năm ở các khu công nghiệp lân cận là 190 USD, chưa kể phí quản lý. Muốn đầu tư một xưởng mới phải cần 10 ha. Như vậy riêng tiền thuê đất doanh nghiệp tốn khoảng 20 triệu USD, tương đương 400 tỷ đồng và thêm khoảng 600 tỷ đồng cho chi phí lắp đặt máy móc, thiết bị, phòng cháy chữa cháy…

“Đề án chuyển đổi khu công nghiệp đã thông qua, doanh nghiệp phải rời đi, địa phương cần có phương án hỗ trợ thỏa đáng”, ông Phú nói.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm bên sông Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Cách Xí nghiệp cao su Đồng Nai không xa, Công ty cổ phần may Đồng Nai (Donagamex) cũng gặp nhiều khó khăn trước đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Doanh nghiệp đặt nhà máy tại đây từ năm 1974, tức đã 50 năm. Nhà xưởng rộng 32.000 m2, hiện có hơn 200 lao động, chủ yếu trên 40 tuổi.

Bà Đoàn Thị Thu Thúy, Chủ tịch Công đoàn Donagamex, nói thông tin khu công nghiệp được chuyển đổi thành khu đô thị thương mại đã có từ hơn 10 năm trước và đây cũng là quãng thời gian “công ty khổ sở”. Nhà máy không thể tuyển mới được lao động vì không ai muốn vào một nơi sắp phải di dời. Nhà xưởng không thể xây sửa, đầu tư mới nên đối tác chê, không muốn đặt đơn hàng.

“Đề án chuyển đổi đã thông qua, doanh nghiệp phải di dời nhưng tiền đâu để đi khi tỉnh chưa có phương án hỗ trợ rõ ràng”, bà Thúy nói. Do nguồn tiền hạn hẹp nên ban giám đốc tính “chia lẻ công ty”, đưa các bộ phận về một số nhà máy, cơ sở sẵn có.

Theo bà Thúy, khối sản xuất phải đưa lên Dầu Giây, cách Biên Hòa hơn 35 km, công nhân không thể theo được. Tuy nhiên, nếu họ ở lại cũng sẽ dở dang vì khó tìm được việc mới do đã lớn tuổi. Ngoài ra, nhà máy có những xưởng vải dệt, máy móc lớn, di chuyển không hề đơn giản.

“Nhiều năm qua, những tổn thất của nhà máy không thể tính hết được”, bà Thúy nói. Bà đề nghị, khi đã có đề án, địa phương cần triển khai nhanh, có phương án đền bù hoặc hỗ trợ tìm chỗ mới, chi phí thuê đất để doanh nghiệp sớm ổn định.

Donagamex và Xí nghiệp cao su Đồng Nai là hai trong 76 doanh nghiệp phải di dời khi KCN Biên Hòa 1 chuyển đổi. Việc này ảnh hưởng đến hơn 21.000 lao động đang làm việc tại đây.

Dấu tích Khu kỹ nghệ Biên Hòa ở Công viên Lam Sơn. Ảnh: Phước Tuấn

Được thành lập năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa, sau năm 1975 đổi tên thành KCN Biên Hòa 1, đây được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam với diện tích 324 ha, ở phường An Bình, TP Biên Hòa. Tuy nhiên sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, KCN bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước sông Đồng Nai. Chính quyền tỉnh thông qua đề án chuyển đổi nơi đây thành khu đô thị thương mại sau khi Chính phủ chấp nhận.

Theo đề án chuyển đổi, KCN hình thành từ lâu nên phần lớn người lao động gắn bó ở đây nhiều năm, đang có cuộc sống ổn định tại TP Biên Hòa hoặc địa phương xung quanh. Do đó, khi doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới (thường xa KCN Biên Hòa 1), đa số người lao động không thể đi theo, vì khó khăn trong việc đi lại, nơi ở… Trong trường hợp nghỉ việc, lao động cũng khó tìm được việc làm mới do đã lớn tuổi.

Ngoài vướng mắc của người lao động, các doanh nghiệp cũng gặp khó về chi phí tuyển dụng, đào tạo người lao động mới trong trường hợp công nhân cũ nghỉ việc. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chi một khoản chi phí rất lớn để trả trợ cấp thôi việc đối với công nhân không tiếp tục gắn bó doanh nghiệp ở nơi mới.

Đối với người lao động tiếp tục làm việc, doanh nghiệp phải chi trả tiền lương ngừng việc trong thời gian di dời. Đồng thời, khi đi vào hoạt động, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp phải có thêm các khoản hỗ trợ nhà ở, đi lại… mới có thể thu hút người lao động.

Với những khó khăn như trên, trong đề án vừa được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai xác định phải chi khoảng 1.270 tỷ đồng hỗ trợ đời sống người lao động, ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Đại diện Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa cho biết thông tin KCN Biên Hòa 1 chuyển đổi đã có nhiều năm. Một số doanh nghiệp đã chủ động rời đi về các khu công nghiệp Giang Điền, Nhơn Trạch, Trảng Bom hoặc về các tỉnh, thành khác. Một vài nhà máy đóng cửa, số ít vẫn còn ở lại chờ phương án hỗ trợ. Công đoàn các cấp luôn theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động như lương, trợ cấp mất việc… khi các nhà máy di dời.

Phước Tuấn – Lê Tuyết

Vnexpress