ESG khu công nghiệp là một hành trình
Liên quan đến phát triển xanh, ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng và đặc biệt nhằm thu hút dòng vốn FDI, việc xây dựng mô hình khu công nghiệp bền vững theo chuẩn ESG đang trở thành xu hướng và ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.
Khảo sát từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022, có tới 83% doanh nghiệp cho rằng thực hành ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp; 57% doanh nghiệp coi việc áp dụng ESG là cấp thiết thay vì là áp lực tuân thủ quy định nhà nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng dụng công nghệ cao, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero carbon của Chính phủ vào năm 2050. Đây chính là những ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC cho biết, tỷ lệ cam kết thực hành ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch ESG, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình là 44%. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2 – 4 năm tới.
Đối với bất động sản khu công nghiệp (KCN), việc quy hoạch KCN để có thể giảm thiểu khí thải, đảm bảo môi trường làm việc tốt và gìn giữ môi trường sống cho nhân viên tại KCN cũng như cư dân địa phương xung quanh là vấn đề cấp bách, vì ảnh hưởng tới sức khỏe con người cũng như khí hậu toàn cầu.
Việc thực hành ESG, tăng trưởng xanh trong các KCN sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, từ việc tạo ra giá trị kinh tế bền vững, mang đến những lợi ích lâu dài để thu hút vốn đầu tư FDI.
Không dễ để các doanh nghiệp bất động sản KCN thay đổi nếu không nhìn nhận ra được những lợi ích của việc thực hành ESG. Điển hình như sẽ nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, cam kết với ESG được coi là có đạo đức, đáng tin cậy hơn trong mắt khách hàng; thu hút vốn đầu tư FDI giữa xu hướng các nhà đầu tư đang ngày càng tìm kiếm các công ty có thông lệ ESG tốt.
Các công ty có thực hành ESG tốt sẽ có xu hướng thu hút nhân tài và giữ chân nhân viên tốt hơn, cũng như giảm chi phí luân chuyển nhân viên; đồng thời tăng khả năng sinh lời. Các doanh nghiệp tập trung vào ESG thường có hiệu quả hoạt động tốt hơn và tiết kiệm chi phí, dẫn đến lợi nhuận cao hơn theo thời gian.
Bằng cách tạo ra các mô hình kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp bất động sản KCN cũng có thể giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường hoặc bất ổn xã hội.
Đầu tư vào ESG hiện đang nổi lên như một xu hướng cho các doanh nghiệp bất động sản KCN ở nhiều cấp độ. Không chỉ cải thiện hình ảnh công ty mà còn tăng lợi nhuận và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh bền vững.
Để áp dụng ESG, các doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều khó khăn như thiếu nhất quán và chồng chéo của các khung tiêu chuẩn về ESG; thiếu hụt nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn; kinh nghiệm và kiến thức về các quy định, tiêu chuẩn quốc tế về ESG; và cả chi phí vận hành cao trong thời gian đầu.
Theo khảo sát của PwC, có tới 73% doanh nghiệp niêm yết được khảo sát cho rằng việc thiếu quy định minh bạch là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong việc tích hợp ESG vào khuôn khổ quản lý rủi ro.
Theo ông Matthew Clifford – Giám đốc Phát triển bền vững & ESG của Cushman & Wakefield khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: “Các nhà đầu tư mà chúng tôi trao đổi biết rằng tính bền vững là quan trọng, nhưng họ cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình. Và trong một số trường hợp, các mục tiêu này bắt đầu xảy ra xung đột chồng chéo”.
Ông Vũ Chí Công – Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital nhìn nhận, thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp giảm các rủi ro pháp lý, mở rộng cơ sở khách hàng, tạo tỷ suất lợi nhuận cao hơn và nâng cao tính bền vững tổng thể của doanh nghiệp. Đồng thời, ESG cũng giúp thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển, điển hình ở châu Âu – nơi vốn tập trung hơn vào các vấn đề ESG và ưu tiên đầu tư vào các quốc gia/khu vực cam kết hướng tới tương lai bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng Nam – Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, chuyển đổi năng lượng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện ESG và được coi là góp phần lớn nhất vào việc giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh trên thị trường và góp phần kiến tạo giá trị lâu dài cho doanh nghiệp, bao gồm hình ảnh thương hiệu bền vững giúp thu hút nhà đầu tư nhờ vào mối quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư đối với các dự án phát triển bền vững.
Là một thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings (HOSE: APH), CTCP Khu Công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát 1 đã thu hút được 5 dự án lớn với tổng vốn đầu tư lên tới gần 90 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.
Theo ông Phạm Văn Tuấn – Phó Tổng giám đốc APH kiêm Tổng Giám đốc KCN An Phát 1, Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn sản xuất lớn từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Người tiêu dùng tại những nước phát triển ngày càng quan tâm đến ESG và sẵn sàng trả tiền cao hơn cho sản phẩm được sản xuất theo quy trình đáp ứng ESG. Chính vì vậy, các KCN thực hành tốt ESG ngày càng có sức hút với các tập đoàn nước ngoài.
KCN An Phát 1 quy mô 180 ha (giai đoạn 1) có diện tích đất trồng cây xanh được mở rộng cao hơn mức yêu cầu tiêu chuẩn. Điều này giúp tạo ra những mảng xanh, làm sạch môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Song song đó, KCN An Phát 1 ưu tiên các khách hàng thuộc ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, không gây ô nhiễm môi trường.
Nhắc tới ESG, không thể không nhắc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex, HOSE: BCM) – một trong những công ty hàng đầu về phát triển KCN và thực hành ESG.
Theo báo cáo thường niên của đơn vị này, tỉnh Bình Dương luôn nằm trong danh sách những tỉnh, thành phố thu hút FDI lớn nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, BCM bổ sung cho mô hình Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các KCN thông minh, đô thị thông minh xanh, bền vững, tiến tới xây dựng các KCN gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, đưa lĩnh vực phát triển KCN lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại sự kiện mới đây về “Hướng tới tăng trưởng xanh”, ông Kazama Toshio – Phó Tổng giám đốc CTCP Thanh Bình Phú Mỹ cho hay, KCN Phú Mỹ 3 được lựa chọn là KCN kiểu mẫu, KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành thuộc chương trình phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đề xuất và đã được chính quyền tỉnh phê duyệt vào tháng 09/2018. Do vậy, KCN Phú Mỹ 3 nâng tầm quan trọng của các mục tiêu phát triển bền vững, các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Bên cạnh đó, KCN Phú Mỹ 3 cũng xây dựng cơ sở lưu trú cho người lao động, mục tiêu tạo nơi ở cho 10,000 công nhân.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3), KCN Phú Mỹ 3 quyết định theo đuổi theo mô hình sinh thái, cộng sinh thay vì đi theo kiểu truyền thống. Sau khi xử lý các vấn đề về môi trường, đầu tư hạ tầng đồng bộ, KCN Phú Mỹ 3 cũng đã thu hút 3 tỷ USD từ 41 nhà đầu tư kể từ năm 2017.
Về xu hướng trong tương lai, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam – chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi chưa thấy bằng chứng rõ ràng về chênh lệch giá thuê của các dự án công nghiệp đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam, nhưng khách thuê đã bắt đầu có xu hướng ưu tiên hơn đối với các dự án được phát triển bền vững và chú trọng vào năng lượng tái tạo. Thực tế, ngày càng có nhiều dự án công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED tại Việt Nam”.
Tính đến quý 3/2023, nhiều dự án bất động sản KCN đã đăng ký cấp chứng nhận LEED như Core5 – Hải Phòng, Logos – Bắc Ninh, RBW tại KCN Phú Tân – Bình Dương, RBW tại KCN Xuyên Á – Long An… Như các lĩnh vực thương mại khác, việc phát triển bền vững cũng sẽ trở thành xu hướng bắt buộc của bất động sản KCN.
Dữ liệu từ Savills, năm 2023, có 397 KCN được thành lập với tổng diện tích đất là 122,900 ha. Trong đó, 292 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất hơn 87,100 ha; 106 KCN khác đang được xây dựng với tổng diện tích đất 35,700 ha.
Các KCN trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy cao trên 80%, trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 91%.
Các dự án đầu tư sản xuất lớn nhất tại miền Bắc trong 5T/2023. Nguồn: Savills
Các dự án đầu tư sản xuất lớn nhất tại miền Nam trong 6T/2023. Nguồn: Savills
Thanh Tú
Thiết kế: TM
FILI