“Bánh vẽ” Mũi Đèn Đỏ đã khiến SCB thiệt hại

“Bánh vẽ” Mũi Đèn Đỏ đã khiến SCB thiệt hại bao nhiêu?

Việc khai khống giá trị của dự án Mũi Đèn Đỏ, do Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư, là một trong những thủ đoạn mà Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã sử dụng để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (gọi tắt Công ty Sài Gòn Peninsula), có trụ sở tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM, được thành lập ngày 08/07/2003. Ngành nghề kinh doanh chính: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Vốn điều lệ thời điểm hiện tại là 18,000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân.

Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty là ông Nguyễn Ngọc Dương (đã chết). HĐQT gồm Chủ tịch HĐQT Trương Vincent Kinh và hai Thành viên HĐQT Kwok Hakman Oliver và Nguyễn Phương Anh.

Ông Trương Vincent Kinh

Sài Gòn Peninsula được biết đến là công ty liên danh do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hợp tác với hai nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group, để thực hiện dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM. Dự án có quy mô lên đến 117.8 ha, tổng mức đầu tư “khủng” 6 tỷ USD.

Phối cảnh dự án Mũi Đèn Đỏ

Khu đất thực hiện dự án Mũi Đèn Đỏ chưa có dấu hiệu thi công, hiện vẫn là bãi đất với cây xanh mọc kín

Nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, dư nợ hơn 133.7 ngàn tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, Sài Gòn Peninsula đã có hành vi đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản bảo đảm là dự án Mũi Đèn Đỏ. Cụ thể, SCB đã giải ngân cho 100 khách hàng thông qua 137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ. Tổng dư nợ 133,710 tỷ đồng, gồm gốc 107,923 tỷ đồng, lãi 26,317 tỷ đồng (chiếm 22% tổng dư nợ gốc nhóm Trương Mỹ Lan – Tập đoàn VTP tại SCB).

Tài sản bảo đảm trên sổ sách của số dư nợ trên là gần 584.5 ngàn tỷ đồng, gồm (1) phần vốn góp, cổ phần tương đương gần 433.5 ngàn tỷ đồng; (2) quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ gần 147.7 ngàn tỷ đồng; (3) các bất động sản, quyền tài sản khác hơn 3.36 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Thẩm định Giá Hoàng Quân chỉ định giá giá trị của tài sản bảo đảm là hơn 22 ngàn tỷ đồng (chỉ gần bằng 4% giá trị sổ sách). Cụ thể, công ty thẩm định này xác định tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần không định giá được vì cổ phần đã định giá trị vào  quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ được định giá có hơn 18.3 ngàn tỷ đồng; các bất động sản khác khoảng 3.69 ngàn tỷ đồng.

SCB đánh giá về tài sản bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro với giá trị là gần 17.6 ngàn tỷ đồng, trong đó, quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là gần 17.6 ngàn tỷ đồng, còn các bất động sản khác là 0 đồng.

Về phía Vạn Thịnh Phát, bị can Nguyễn Phương Anh khai được Trương Mỹ Lan giao làm Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Peninsula với nhiệm vụ là đầu mối phối hợp cùng các đối tượng “thân tín” của Trương Mỹ Lan tại SCB để xây dựng các bộ hồ sơ khống của các cá nhân, pháp nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hệ sinh thái của Tập đoàn vay vốn tại SCB, nhằm giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của ngân hàng này.

Trong thời gian từ 01/01/2018 đến 17/10/2022, thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Anh đã thành lập, quản lý, theo dõi, sử dụng 290 pháp nhân và 188 cá nhân để tạo lập hồ sơ 709 khoản vay, tổng số tiền giải ngân là gần 411.1 ngàn tỷ đồng, đến nay còn dư nợ tổng số tiền 534.8 ngàn tỷ đồng (gồm hơn 406 ngàn tỷ đồng nợ gốc và 128.7 ngàn tỷ đồng nợ lãi).

Phòng Tái thẩm định SCB có vai trò gì?

Theo lời khai của các bị can từng là Giám đốc phòng tái thẩm định SCB, các lãnh đạo SCB do bà Lan cài cắm đã chỉ đạo bộ phận này không tiến hành thẩm định các hồ sơ vay có tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ, đồng thời phối hợp với bên thứ ba nâng khống giá trị của tài sản đảm bảo này.

Cụ thể, bị can Võ Văn Tường, nguyên Giám đốc phòng tái thẩm định SCB khai rằng, đã nhận chỉ đạo từ Phạm Văn Phi – Phó Tổng Giám đốc SCB để ký các tờ trình tái thẩm định với vai trò là Giám đốc phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB, dù biết rõ những hồ sơ liên quan đến dự án Mũi Đèn Đỏ là các khoản vay liên quan đến bà Lan. Trên thực tế, phòng tái thẩm định đã không thẩm định điều kiện vay vốn (năng lực của khách hàng vay vốn, nhu cầu vay vốn, phương án sử dụng vốn, khả năng trả nợ) vì đây là các hồ sơ vay tiền SCB của Tập đoàn VTP để trả nợ, cơ cấu nợ xấu… Có những khoản vay Hội đồng tín dụng chỉ đưa biên bản cho các Thành viên ký mà không tiến hành họp.

Trước ông Tường, người đảm nhiệm chức Giám đốc phòng tái thẩm định SCB là ông Mai Văn Sáu Nhở (2010-2020). Trong thời gian làm việc, ông Nhở được chỉ đạo lập các tờ trình tái thẩm định, biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư Hội sở đồng ý cho các khách hàng của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn tại SCB dù có dư nợ rất lớn, các khoản vay đều không đảm bảo điều kiện cấp tín dụng theo quy định, nhưng vì các khoản cho vay theo chỉ đạo của cấp trên nên buộc phải giải quyết.

Tuy nhiên đến tháng 12/2020, ông Nhở bị cho thôi việc cùng 6 người khác do đã phản ứng lại sau khi được chỉ đạo tổ chức giải ngân liên quan tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ. Cụ thể, thời điểm dự án đang có dư nợ hơn 30 ngàn tỷ nhưng đã được nâng khống định giá lên 150 ngàn tỷ để SCB có thể giải ngân thêm 100 ngàn tỷ cho nhóm Vạn Thịnh Phát.

Định giá của dự án Mũi Đèn Đỏ được nâng khống như thế nào?

Đơn vị thẩm định dự án Mũi Đèn Đỏ là CTCP Thẩm định Giá Thiên Phú, do ba thành viên góp vốn gồm ông Trần Tuấn Hải, ông Phan Đình Thiên và bà Trần Thị Kim Ngân. Theo lời khai, bà Ngân đã tiếp nhận hồ sơ tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của SCB từ ông Trần Văn Nhị – Phó Giám đốc Công ty TNHH Hãng Kiểm toán ATC.

Sau đó, bà Ngân cùng ông Hải làm theo yêu cầu của ông Nhị về việc phát hành hai chứng thư nâng khống giá trị của dự án và lùi ngày phát hành chứng thư, qua đó giúp SCB hoàn thiện hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo và giải ngân cho 65 khách hàng vay. Tổng dư nợ của 65 khách hàng này tại ngày 17/10/2022 là gần 127.4 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 105.7 ngàn tỷ đồng, nợ lãi hơn 21.7 ngàn tỷ đồng.

Theo định giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân, giá trị tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ nếu được đánh giá đúng quy định thì chỉ hơn 17.3 ngàn tỷ đồng, tức việc nâng khống giá trị của dự án đã khiến SCB thiệt hại hơn 110 ngàn tỷ đồng.

Về phía ông Nhị, ông đóng vai trò là người môi giới thẩm định giá tài sản cho SCB từ bà Trần Thị Mỹ Dung để giao cho Công ty Thiên Phú nâng khống giá trị dự án Mũi Đèn Đỏ.

Nợ xấu của dự án Mũi Đèn Đỏ được che giấu bởi Thanh tra NHNN

Ngoài gây thiệt hại cho SCB, Mũi Đèn Đỏ còn nằm trong ba dự án khiến các hệ số an toàn của SCB xấu đi đáng kể, tuy nhiên việc này đã được che giấu bởi Đỗ Thị Nhàn – Vụ trưởng Vụ thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng (Vụ I), sau này là Cục trưởng Cục II thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (TTGSNH), đồng thời là Trưởng đoàn Thanh tra SCB và các thành viên tổ tổng hợp 2 thuộc cơ quan TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Qua đợt thanh tra SCB tại ngày 30/06/2017, Đoàn thanh tra liên ngành (Cơ quan TTGSNH, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) xác định: tỷ lệ nợ xấu là 20.92% trong khi so với SCB báo cáo ghi 0.61% (quy định < 3%); tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ (CAR ) 6.5% trong khi so với SCB báo cáo là 10.06% (quy định > 9%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 13.28% trong khi so với SCB báo cáo là 12.4% (quy định <=50%); tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ là 62.95% trong khi so với SCB báo cáo 55% (NHNN cho phép không quá 55%).

Trong đó, tổ tổng hợp số 2 gồm Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh và Bùi Tuấn Khoa, sau khi thanh tra SCB chi nhánh Cống Quỳnh nhận thấy toàn bộ sai phạm của SCB trong hoạt động thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra, giám sát vốn vay.

Hệ quả, tổng số nợ phải chuyển nợ xấu của SCB là hơn 91 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 35.87%), trong đó ba dự án (dự án Mũi Đèn Đỏ, dự án 6A, dự án Royal Garden), tổng dư nợ gần 38 ngàn tỷ đồng; số trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) gần 18.8 ngàn tỷ đồng và thực hiện thoái dự thu 3.1 ngàn tỷ đồng. Tổng nợ xấu của ba dự án trên là hơn 25 ngàn tỷ đồng.

Theo kết quả trên, BCTC của SCB theo kết quả thanh tra ghi nhận: vốn chủ sở hữu của SCB bị âm hơn 19.1 ngàn tỷ đồng, tương ứng với vốn chủ sở hữu theo thanh tra là 12.3 ngàn tỷ đồng; lỗ lũy kế 31.9 ngàn tỷ đồng, số lỗ lũy kế/vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm là -274.84%, nợ xấu 35.87%; kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của SCB âm gần 32.3 ngàn tỷ đồng và hệ số an toàn vốn CAR âm 4.24% do âm vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo phục vụ lãnh đạo NHNN và Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/01/2018, Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo Tổ tổng hợp số 2 bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu hơn 25 ngàn tỷ đồng thuộc nhóm 4, nhóm 5 đối ba dự án (Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden) tại SCB chi nhánh Cống Quỳnh không đưa vào tính hệ số an toàn vốn CAR. Sau khi chỉnh sửa bảng tính, thành viên tổ 2 cho 18 thành viên đoàn ký để báo cáo Nguyễn Văn Hưng – Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, người ra quyết định thanh tra.

Sau cuộc họp báo cáo Chính phủ ngày 24/01/2018, trong tháng 02/2018, ông Hưng chỉ đạo bà Nhàn hoàn thiện báo cáo đoàn thanh tra để trình lãnh đạo NHNN xin ý kiến. Theo đó, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo thành viên tổ 2 bỏ nội dung kiến nghị phân loại nợ Nhóm 4, Nhóm 5 và trích lập DPRR, thoái lãi dự thu với tổng số tiền 21.9 ngàn tỷ đồng (gồm gần 18.8 ngàn tỷ đồng trích lập DPRR và thoái dự thu 3.1 ngàn tỷ đồng) đối với ba dự án tái cơ cấu (Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden).

Trong thời gian từ tháng 02 – 08/2018, ông Hưng chỉ đạo bà Nhàn cùng 11 thành viên đoàn thanh tra bỏ ra ngoài số liệu nợ xấu liên quan đến ba dự án trên, đồng thời bỏ toàn bộ nội dung kiến nghị yêu cầu thu hồi ngay số tiền vay sử dụng sai mục đích tại dự án Mũi Đèn Đỏ gần 10.4 ngàn tỷ đồng và dự án 6A gần 4.9 ngàn tỷ đồng; tại kiến nghị xử lý lãi dự thu cũng đã bỏ yêu cầu thu hồi đối với Mũi Đèn đỏ hơn 13.3 ngàn tỷ đồng và dự án 6A hơn 5.3 ngàn tỷ đồng.

Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Du – quyền Chánh thanh tra NHNN (thay ông Hưng, nghỉ hưu từ ngày 01/10/2018) vào ngày 04/12/2018 đã ký ban hành Kết luận thanh tra SCB với nội dung không trung thực, không đúng so với kết quả thanh tra về tình hình, thực trạng tài chính; che giấu số liệu nợ xấu liên quan đến ba dự án.

Hà Lễ

FILI