Lạ lùng các phiên đấu giá đất: Nơi bỏ cọc, chỗ cao chót vót
Càng về cuối năm, các phiên đấu giá đất tại một số tỉnh thành lại có những diễn biến trái ngược nhau. Chỗ thì đấu giá sôi động với hàng loạt lô đất được sang tay giá cao chót vót, nơi thì ế ẩm, không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Tại Bắc Giang, theo thông tin từ Cục thuế tỉnh này, 10 tháng đầu năm địa phương đã tổ chức 92 phiên đấu giá đất với tổng số 2.969 lô. Qua rà soát, đến nay có 90 lô trúng đấu giá đã đến hạn nộp tiền sử dụng đất nhưng khách hàng bỏ cọc. Tổng số tiền trúng đấu giá 90 lô hơn 88,3 tỷ đồng, số tiền bỏ cọc gần 10 tỷ đồng.
Một buổi đấu giá đất vùng ven Hà Nội thu hút hàng trăm nhà đầu tư. |
Đáng nói, địa phương này từng là điểm nóng về hoạt động mua bán bất động sản. Còn nhớ giai đoạn cuối năm 2021, những đợt đấu giá đất ở đây từng thu hút hàng nghìn người tham gia, giá trúng bình quân gấp 2 – 5 lần mức khởi điểm.
Tại TP Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, nhiều khu đất ở được đưa ra đấu giá nhưng không có người mua, thậm chí có những khu đã tổ chức đấu giá đến 2 lần nhưng vẫn ế.
Cụ thể như, khu dân cư Bắc Phong (giai đoạn II) thuộc phường Nam Bình, TP. Ninh Bình với quy hoạch 142 lô đất ở (cả lô liền kề và lô nhà vườn). Tuy nhiên, đã trải qua 2 lần tổ chức đấu giá nhưng hiện vẫn còn 61 lô và thành phố Ninh Bình đang chuẩn bị cho tổ chức đấu giá tiếp lần thứ 3.
Còn tại khu An Hòa 1, thuộc phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình có 301 lô theo quy hoạch (gồm lô liền kề và nhà vườn) nhưng cũng sau 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, hiện vẫn còn 99 lô không có người mua.
Cũng tại phường Ninh Phong, khu Tây Lý Nhân Tông theo mặt bằng quy hoạch là 253 lô (gồm lô liền kề và nhà vườn), sau 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đến nay vẫn còn ế 112 lô.
Thế nhưng, tại Hà Nội, quận Cầu Giấy, ngày 22/11 vừa qua, phiên đấu giá quyền sử dụng đối với 14 thửa đất ở tại phường Dịch Vọng và phường Trung Hòa đã ghi nhận giá trúng cao nhất đạt mức 283 triệu đồng/m2, tức hơn 43 tỷ đồng đối với thửa đất rộng 153 m2.
Ngoài ra, còn nhiều thửa đất khác cũng được nhà đầu tư trả giá ở ngưỡng cao. Đa số các thửa ở khu đất đấu giá ngõ 87 phố Nguyễn Thị Định được đấu trúng ở mức 205 – 232 triệu đồng/m2, mức cao nhất đạt 282,1 triệu đồng/m2. Một thửa ở ô đất D18 khu đô thị mới Cầu Giấy có giá trúng 215 triệu đồng/m2. Một thửa ở ngõ 39 phố Tú Mỡ có giá trúng 218,1 triệu đồng/m2.
Trước đó không lâu, ngày 11/11, huyện Đông Anh cũng đấu giá thành công hàng chục thửa đất tại khu đất X6, thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà. Giá trúng cao nhất 38,3 triệu đồng/m2; giá trúng thấp nhất 32,3 triệu đồng/m2.
Sau khi kết thúc phiên đấu giá, một số thửa đất đã được chính chủ rao bán ngay với mức chênh từ 150 – 200 triệu đồng/thửa so với giá trúng. Thậm chí, thửa LK4-02 nằm sát lô góc (là thửa LK4-01) được một nhà đầu tư địa phương tên H. rao chênh 200 triệu đồng (tức hơn 3,4 tỷ đồng) và hứa hẹn trả phí hoa hồng 15% cho môi giới nào bán thành công thửa đất.
Tương tự, tại huyện Mê Linh, trong vòng chưa đầy một tuần, địa phương này đã tổ chức thành công 2 phiên đấu giá đất ở xã Thanh Lâm và xã Tam Đồng, ước tính tổng số tiền thu về đạt khoảng 41,5 tỷ đồng.
Trong đó, sáng 27/11, 10/14 lô đất tại điểm X1, X2 thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm được đấu giá thành công với giá trúng 25,9 – 31,5 triệu đồng/m2 (cao hơn 1 – 1,4 triệu đồng/m2 so với giá khởi điểm). Tổng số tiền thu về đạt gần 20,5 tỷ đồng (cao hơn 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm).
Còn ngày 24/11, 6 lô đất tại điểm X1, xứ đồng Làng Gàn, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng cũng được đấu giá thành công. Giá trúng dao động 22,2 – 32,6 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 21 tỷ đồng.
Theo chuyên gia về lĩnh vực bất động sản, về cơ bản, giá bất động sản sau khi neo ở mức cao trong thời gian dài thì giai đoạn qua đã đồng loạt đi xuống. Đà giảm giá diễn ra ở cả các tỉnh lẻ lẫn những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM.
Tuy nhiên sau đó, việc nhận được những thông tin về khả năng quay lại của dòng tiền và một số dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm lên vào năm 2024 đã phần nào kích thích tâm lý nhà đầu tư.
Hà Nội là nơi dân cư tập trung đông đúc, nhà ở cung không đủ cầu, theo đó nhu cầu về bất động sản cũng cao hơn nhiều địa phương khác. Khu vực này có nhiều người mua thực và cũng thu hút lượng lớn nhà đầu tư sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, thậm chí cả những nhà đầu cơ lớn về nằm vùng.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cũng chia sẻ, việc thổi giá đất thông qua đấu giá để kéo giá trong khu vực không còn lạ. Nhiều người tham gia đấu giá chủ yếu muốn đầu cơ kiếm lời, trong khi nhu cầu thực tế của người mua nhà rất ít.
Ngọc Mai
Tiền phong