Đường Vành đai 4 TPHCM (giai đoạn 1) Becamex làm

Đường Vành đai 4 TPHCM (giai đoạn 1) Becamex làm trông sẽ ra sao?

Dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh được xem là dự án trọng điểm của khu vực Đông Nam Bộ.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) đang được tham vấn đánh giá tác động môi trường, dự án do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex, HOSE: BCM) làm chủ đầu tư.

Dự án đường Vành đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) gồm hai dự án thành phần.

Dự án thành phần 1: Giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn, chiều dài khoảng 27.2 km với tổng mức đầu tư 8,796 tỷ đồng và từ vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện 2023 – 2026.

Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) với chiều dài 47.85 km, tổng mức đầu tư dự kiến 9,452 tỷ đồng và nguồn vốn nhà đầu tư, thời gian thực hiện 2023 – 2026.

Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đầu tư phân kỳ như sau: giải phóng mặt bằng: thực hiện hoàn chỉnh với quy mô 8 làn xe cao tốc, nền đường rộng 74.5 m cho những đoạn từ Đất Cuốc (đường ĐH.411) – VSIP IIA, đoạn từ cầu Thới An – sông Sài Gòn và các nút giao. Riêng đoạn nối Khu Công nghiệp VSIP IIA – khu công nghiệp Mỹ Phước 3 giải phóng mặt bằng với quy mô 62 m; đoạn Thủ Biên – Đất Cuốc (kể cả nút giao cầu Thủ Biên phía Bình Dương) đã thực hiện trong dự án khác, không tính trong dự án này.

Đầu tư quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục; riêng đoạn từ đường ĐT.742 đến cầu Thới An: giữ nguyên hiện trạng các đoạn đã được đầu tư (quy mô 62 m, 10 làn xe), đoạn từ Khu Công nghiệp VSIP 2A – Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 đầu tư đồng bộ theo quy mô 62 m, 10 làn xe.

Dự án cũng đầu tư hai tuyến đường nhánh kết nối vào khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương (đường Lê Lợi và đường Tạo lực 2) với quy mô phù hợp.

Dự kiến nhu cầu sử dụng đất khoảng 419.6 ha trong đó tuyến chính 413.4 ha, tuyến kết nối 6.2 ha. Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Xây dựng – Kinh doanh –Chuyển giao (BOT). Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 18,248 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Trong đó, vốn Nhà nước 8,796 tỷ đồng, chiếm 48.2% tổng mức đầu tư; vốn huy động từ nhà đầu tư 9,452 tỷ đồng (chưa gồm lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 845 tỷ đồng, gồm 85% vốn vay và 15% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Tuyến dự án trên địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 47.5 km, đi qua 12 phường xã, gồm xã Thường Tân, xã Tân Mỹ, xã Tân Lập và xã Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên); phường Uyên Hưng, phường Hội Nghĩa và phường Vĩnh Tân (thành phố Tân Uyên); phường Hòa Phú (thành phố Thủ Dầu Một); phường Hòa Lợi, phường Thới Hòa, xã An Điền và xã An Tây (thị xã Bến Cát).

Thống kê chiều dài tuyến của dự án qua địa phận các phường xã

Vị trí tuyến dự án Vành đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Theo phương án tuyến đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua năm 2022, tuyến đường dự án bao gồm cả xây dựng mới và trùng với các tuyến đường hiện hữu đã xây dựng, bao gồm 4 đoạn tuyến như sau: đoạn tuyến Đất Cuốc Thủ Biên, đoạn tuyến Thủ Biên VSIP 2A, đoạn tuyến VSIP 2A cầu Thới An, và đoạn tuyến cầu Thới An cầu Phú Thuận (Hình 1.4). Chi tiết hiện trạng các đoạn tuyến thuộc dự án được mô tả như sau:

Tuyến đường Vành đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) có quy mô 8 làn xe. Quy mô theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Diện tích đất chiếm dụng cho dự án khoảng 2,000,837 m2. Dự án sẽ thu hồi các loại đất bao gồm đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) là 1,843,462 m2, đất thổ cư (đất ở đô thị) là 104,085 m2 và đất sản xuất kinh doanh 53,290 m2.

Dự án dự kiến khởi công vào tháng 04/2024 sau khi hoàn thành thu hồi, đền bù và giải phóng mặt bằng. Đến tháng 01/2027 sẽ hoàn thành và bàn giao công trình.

Tiến độ dự án Vành đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1). Nguồn: Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án

Tổng mức đầu tư công trình tại Bình Dương là gần 9,560 tỷ đồng. Trong đó một số chi phí đáng chú ý như chi phí xây dựng 6,874 tỷ đồng, chi phí thiết bị 405.3 tỷ đồng, chi phí dự phòng 1,553 tỷ đồng, chi phí phòng cho yếu tố trượt giá 753 tỷ đồng…

Tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/09/2011. Dự án có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM). Tuyến đường đi qua địa phận của 5 tỉnh thành phố gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An với tổng chiều dài khoảng 197.6 km. Quy mô từ 6 đến 8 làn xe cao tốc và đường song hành mỗi bên 2 làn xe.

Trong số 5 tỉnh, thành phố có tuyến đường Vành đai 4 TPHCM đi qua, hiện có 3 tỉnh đã tiến hành đầu tư xây dựng, tuy nhiên kết quả vẫn còn khiêm tốn: tỉnh Đồng Nai đã đầu tư được khoảng 6 km (trùng với đường HL.10) quy mô mặt cắt ngang là 12 m, tỉnh Bình Dương đầu tư được khoảng 22.35 km quy mô mặt cắt ngang đoạn lớn nhất là 62 m, tỉnh Long An đầu tư được khoảng 17.25 km quy mô mặt cắt ngang là 17 m.

Diện tích đất quy hoạch khoảng 2,061 ha. Trong đó, diện tích chiếm dụng trên từng địa phương dự kiến gồm Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 184 ha, Đồng Nai 273 ha, TPHCM 425 ha, Bình Dương 441 ha, Long An khoảng 711 ha. Nhu cầu vốn cho toàn bộ đường vành đai 4 TPHCM khoảng 98,537 tỷ đồng (không gồm kinh phí xây dựng các cầu vượt trực thông qua các tuyến đường đang lập quy hoạch và sẽ được đầu tư xây dựng theo nguồn của các dự án). Nguồn vốn được lấy từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA, huy động từ tư nhân…

Tổng mức đầu tư và chiều dài dự án xây dựng đường vành đai 4 TPHCM. Nguồn: Quyết định 1698/QĐ-TTg

Thu Minh

FILI