Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm

Chiều 18/08, Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn” được tổ chức nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển du lịch Cảng Sài Gòn trong định hướng chuyển đổi Cảng Sài Gòn trở thành cảng du lịch quốc tế, tạo thêm những loại hình du lịch.

Theo đó, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ chạy từ trước giao lộ cầu Tân Thuận-Nguyễn Văn Linh khoảng 200m rồi đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu, đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát thì rẽ trái. Sau đó cầu kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận; vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế cũng đưa ra 5 phương án thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4, trong đó 3 phương án hướng tới chiều cao tĩnh không 10m; một phương án chiều cao tĩnh không đạt mức 15m và một phương án chiều cao tĩnh không có thể lên tới 45m.

Cầu Thủ Thiêm 4 có điểm bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh-nút cầu Tân Thuận 2, điểm cuối là đường Nguyễn Cơ Thạch-Thủ Thiêm. Tổng chiều dài toàn tuyến đạt 2,160km.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh từng là thương cảng quốc tế sầm uất. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới. Làm được như vậy, trong tương lai, Thành phố sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế với thế mạnh là du lịch tàu biển.

Chuyên gia kiến nghị: Về lâu dài, thành phố nên sáp nhập quận 4 vào quận 1, mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, tạo điểm nhấn kết nối một dải ven sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Tân Thuận (quận 7), kéo trung tâm thành phố hướng ra bờ sông để tạo điểm nhấn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch: “TP Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để phát triển du lịch”.

PGS, TS Trần Đình Thiên khẳng định, chúng ta cần phải định hình chân dung thành phố tương lai, trong đó cầu Thủ Thiêm 4 có một vai trò vô cùng quan trọng. Thành phố cần tận dụng lợi thế mở do sông Sài Gòn mang lại, không thể lãng phí và chặn “độ mở” bằng một cây cầu có độ tĩnh không thấp.

“Chúng ta nên hình dung Thành phố Hồ Chí Minh như một thành phố hội nhập, gắn với sông nước, với các công trình kiến trúc bên sông và ven sông”, ông Thiên bày tỏ.

Vị chuyên gia cho rằng, trong phương án thiết kế xây cầu cần phải chứng minh tính hiệu quả một cách cụ thể và rõ ràng.

“Đặc biệt, nếu nhìn rộng và xa cho Thành phố Hồ Chí Minh, các con sông như Sài Gòn, Đồng Nai là những con sông thuần Việt rất hiếm. Những con sông này cần được chúng ta tìm mọi cách để bảo vệ, ngay từ thời điểm này”, PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh. 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Hàng Hải Việt Nam khẳng định: Về cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ các ý kiến, quan điểm về giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị bảo tồn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm tại khu vực dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.

Cục Hàng Hải cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc tính toán tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 cần tương đồng với quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố; đặc biệt với cầu Phú Mỹ (vốn có tĩnh không thông thuyền lên tới 45m) đã được xây dựng trước đó.

Hàn Đông

FILI