Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Kiên quyết thu hồi dự án triển khai quá chậm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu kiên quyết thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất trên địa bàn quận Cầu Giấy mà triển khai quá chậm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Việc xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, có vi phạm trên địa bàn Hà Nội được xác định là nhiệm vụ lớn, phức tạp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và được dư luận xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, với số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp; chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật… nên đòi hỏi việc triển khai thực hiện cần tập trung quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở.
Quyết liệt xử lý dự án chậm triển khai
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tính đến ngày 27/6 vừa qua, trong tổng số 712 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai; trong đó, có 135 dự án vốn ngoài ngân sách chưa có quyết định giao đất cho thuê đất, 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và 173 dự án do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý. Đến nay, thành phố đã xử lý được 419 dự án.
Đối với 293 dự án còn lại cần tiếp tục xử lý, thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thực hiện 137 dự án; Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện 81 dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện 11 dự án; Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thực hiện 17 dự án; 46 dự án giao các ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Thực hiện chỉ đạo sát sao của Thành ủy Hà Nội và sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ chủ trì cùng các sở ngành tổ chức rà soát, làm việc với từng Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai và phân công các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố theo dõi, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án, cơ bản xử lý xong trong năm 2023.
Đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã xem xét, chỉ đạo đối với 64 dự án tại huyện Mê Linh, 11 dự án tại huyện Quốc Oai, 28 dự án tại huyện Thạch Thất, 50 dự án tại quận Cầu Giấy và 62 dự án tại quận Nam Từ Liêm.
Xử lý hàng chục dự án trong tháng Bảy này
Mới đây, qua rà soát, phân loại 50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ trên địa bàn quận Cầu Giấy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh trường hợp phát hiện nội dung chưa phù hợp hoặc tiềm ẩn nguy cơ vi phạm khi thực hiện theo quy trình, thủ tục, cần kiên quyết sửa chữa, khắc phục ngay, trên quan điểm không e ngại, né tránh việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người đang đề xuất hoặc đang sử dụng đất dẫn đến phát sinh khiếu kiện dân sự.
Trường hợp các dự án không có khả năng triển khai tiếp hoặc không có khả năng điều chỉnh, khắc phục do việc triển khai quá chậm, không còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành sẽ kiên quyết bãi bỏ, thu hồi, dừng thực hiện, chấm dứt; xây dựng phương án đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư.
Thành phố yêu cầu việc điều chỉnh, khắc phục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo nguyên tắc không làm tăng mật độ dân số, dân cư cơ học tại khu vực, không hình thành nhà ở tại khu vực nhạy cảm; ưu tiên điều chỉnh tăng chức năng cây xanh, các công trình công cộng đầu tư bằng vốn ngân sách.
Các trường hợp dự án đã điều chỉnh, nhưng nay rà soát, đối chiếu với các quy định không có khả năng triển khai tiếp, cần xem xét điều chỉnh lại mục tiêu, chức năng quy hoạch đã được chấp thuận ban đầu; trường hợp không thực hiện được sẽ chấm dứt, thu hồi để đấu thầu hoặc đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án…
Cụ thể, đối với 11 dự án đã được thành phố gia hạn sử dụng đất 24 tháng (trong thời gian gia hạn bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẩn trương tham mưu, dự thảo Văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo thống nhất chung, làm cơ sở để giải quyết từng trường hợp. Các sở, ngành liên quan cần chủ động xem xét, giải quyết các thủ tục về quy hoạch, đầu tư… mà không chờ thủ tục gia hạn sử dụng đất để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm triển khai dự án.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN) |
Đối với 4 dự án đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng (đang trong thời gian gia hạn, thuộc trường hợp tiếp tục theo dõi, giám sát), các cấp, các ngành kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chủ đầu khẩn trương hoàn thành đầu tư xây dựng để dưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với 13 dự án kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn hoàn thiện thủ tục để được gia hạn; trên cơ sở đó, lập tờ trình và dự thảo Quyết định gia hạn sử dụng đất cho chủ đầu tư, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố theo quy định. Thời hạn hoàn thành trước ngày 10/8 tới. Đối với dự án tại ô đất A3/NO, A4/NO, A5/NO Khu đô thị Nam Trung Yên, Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu giá trong quý 4 năm nay.
Đối với 4 dự án vướng mắc về chủ trương đầu tư, gồm: Dự án tại ô đất C3/CC2, B9/CC1, B9/CC3 Khu đô thị Nam Trung Yên (do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Handico-Thủy Dương làm chủ đầu tư), thành phố giao cho Thanh tra thành phố rà soát, dự thảo Văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Thanh tra Chính phủ theo hướng thực hiện theo các quyết định được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận năm 2011, nghiên cứu phương án điều chỉnh, bãi bỏ hoặc thu hồi các quyết định điều chỉnh về quy hoạch, đầu tư năm 2015; báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 15/7 tới.
Đối với Dự án Xây dựng khu nhà ở tại số 179 Trung Kính (do Công ty Cổ phần DEVYT làm chủ đầu tư) và Dự án Đầu tư kinh doanh một tổ hợp tòa nhà văn phòng, khách sạn và các dịch vụ phụ trợ tại số 222 phố Trần Duy Hưng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thăng Long Property làm chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì, tham mưu, đề xuất phương án xử lý, báo cáo thành phố trước ngày 15/7 tới.
Đối với Dự án Xây dựng khu nhà ở phục vụ tái định cư tại ngõ 204 đường Trần Duy Hưng, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất phương án xử lý, báo cáo thành phố trước ngày 15/7 tới.
Đối với dự án để kéo dài nhiều năm không thực hiện việc giải phóng mặt bằng tại số 200 Cầu Giấy do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì tham mưu, báo cáo thành phố theo hướng dừng thực hiện dự án; thu hồi, giao cho Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn ngân sách phục vụ mục đích công cộng, ưu tiên đầu tư trường học.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN) |
Đáng chú ý, đối với 18 dự án, trong tổng số 22 dự án quy hoạch trụ sở các Tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, hiện có 6 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu từ sau ngày 1/7/2014 nhưng đã quá tiến độ thực hiện dự án tại quyết định chủ trương đầu tư, chưa được giao đất, cho thuê đất và 12 dự án đã nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư, chưa được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai hiện nay, 18 dự án này thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; do đó, việc chỉ định nhà đầu tư, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu thầu, đấu giá là không phù hợp quy định hiện hành.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trương dừng thực hiện các nội dung đã chấp thuận trước đây về đầu tư dự án để thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật đấu thầu, đầu tư, đất đai.
Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông báo đến các nhà đầu tư biết; tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định dừng thực hiện các dự án, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 15/7 tới.
Sở Tài chính Hà Nội chủ trì rà soát các khoản kinh phí các nhà đầu tư đã hỗ trợ, đã tạm ứng cho thành phố khi đề xuất thực hiện dự án, trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất phương án hoàn trả, báo cáo thành phố xem xét, quyết định trước ngày 30/7 tới.
Đồng thời, thành phố cũng giao cho Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan xây dựng, đề xuất phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án 18 ô đất trên./.
Linh Khánh
Vietnamplus