C&W: Lượng căn hộ mở bán mới trong quý 2/2023

C&W: Lượng căn hộ mở bán mới trong quý 2/2023 thấp nhất kể từ năm 2019

Theo báo cáo cập nhật thị trường nhà ở TPHCM quý 2/2023, Cushman & Wakefield Việt Nam (C&W) cho biết nguồn cung căn hộ ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2019 cùng với đó là sự “cung không đủ cầu” tại thị trường nhà ở xã hội vẫn đang diễn ra.

Trong quý 2/2023, TPHCM chứng kiến nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, các dự án tiêu biểu như dự án cải tạo kênh Tham Lương –  Bến Cát – rạch Nước Lên, nút giao An Phú và việc mở rộng QL50 – đường Nguyễn Văn Linh. Các dự án cơ sở hạ tầng luôn là mấu chốt thúc đẩy cho thị trường nhà ở phát triển trong hàng thập kỷ qua.

Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường căn hộ của Cushman & Wakefield Việt Nam, quý 2/2023 ghi nhận lượng nguồn cung mở bán mới căn hộ thấp nhất kể từ năm 2019, đạt khoảng 970 căn, giảm 41% so với quý trước và giảm 90% so với cùng kỳ. Nguồn cung mới khan hiếm phần lớn do sự trì trệ trong quá trình hoàn thiện pháp lý và thủ tục triển khai mở bán dự án.

Hầu hết nguồn cung mới trong quý đến từ khu Đông với các đợt mở bán tiếp theo của các dự án hiện tại và phía Bắc với dự án phân khúc trung cấp mới ra mắt, 9X An Sương tại huyện Hóc Môn. Điều này khiến khu bắc và khu đông trở thành tâm điểm giao dịch, nhờ triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực và các ưu đãi thanh toán do các chủ đầu tư đưa ra. Có khoảng 1,352 giao dịch mua bán hoàn thành, tăng 4% theo quý. Lượng hấp thụ này tương đương với 30.5% trên tổng rổ hàng sơ cấp tính đến quý 2/2023 là 4,440 căn.

Tương tự quý trước, quý 2/2023 đón thêm nhiều sản phẩm từ phân khúc thấp hơn (từ trung cấp đến cao cấp) như Elysian Lò Lu, Avatar 9x và Moonlight Avenue, 9X An Sương… Theo đó, giá sơ cấp trung bình trong quý 2/2023 đã giảm 1% so với quý 1/2023, đạt xấp xỉ 3,217 USD/m2, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn về tương lai, do quỹ đất trung tâm dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ, thị trường có xu hướng phân bổ ra các khu vực ngoài trung tâm, tổng nguồn cung toàn TPHCM từ 2023 trở đi ước tính sẽ đạt 190,000 căn hộ. Khu Đông (TP. Thủ Đức) được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung trong tương lai. Với định hướng trở thành đô thị đa trung tâm vào 2040 cùng với việc hạ tầng công cộng từng bước được nâng cấp đã giúp TP. Thủ Đức trở nên nổi bật hơn so với các khu vực khác.

Còn đối với thị trường nhà liền thổ, báo cáo C&W, quý 2/2023 chứng kiến những tín hiệu hồi phục khi lượng nguồn cung mới đang dần được tung ra nhiều hơn, với 282 căn, tăng 403% so với quý trước và tăng 45% so với cùng kỳ. Các dự án đã hoàn thiện các quy trình pháp lý và bắt đầu xây dựng trở lại, đặc biệt là các dự án bị vướng mắc ở quý trước. Tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường trong quý tập trung chủ yếu ở các giai đoạn mới trong các siêu dự án tại TP. Thủ Đức, đạt 839 căn.

Quý 2/2023 cũng ghi nhận lượng tiêu thụ nhà liền thổ đạt 375 căn, tăng 792% so với quý 1/2023 và tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng trong lượng bán mới quý 2/2023 là nhờ vào các chính sách hỗ trợ người mua từ các chủ đầu tư. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất trong thời gian gần đây.

Giá sơ cấp trung bình đã tăng 12% theo quý và tăng 43% theo năm, đạt 13,546 USD/m2, nhờ sự mở bán các phân đoạn mới từ các dự án ở TP. Thủ Đức (khu vực phía Đông TPHCM) – và là yếu tố chính gây tăng giá trong quý. Theo quan sát của C&W, giá sơ cấp trung bình nhà liền thổ tại khu Đông hiện đang cao hơn trung bình toàn TPHCM 12% và cao hơn trung bình khu vực phía Bắc 139% (phía Bắc có lượng nguồn cung sơ cấp lớn thứ hai thị trường TPHCM, bao gồm quận 12 và quận Tân Phú).

Nguồn cung tương lai được dự đoán sẽ có thêm 7,900 căn từ năm 2023 trở đi. Phía Đông TPHCM tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn đầu do quỹ đất sẵn có và nhu cầu đô thị hóa cao của TP Thủ Đức. Thành phố cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ đô thị hóa tại các khu vực ngoại ô như Nhà Bè hoặc khu vực xa hơn. Trong tương lai, TPHCM sẽ có nhiều dự án với số lượng trung bình khoảng 200 căn mỗi dự án; và đồng thời tiếp tục các giai đoạn đoạn tiếp theo của các dự án lớn hiện hữu.

Theo C&W, giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hàng năm, khiến người Việt Nam ngày càng khó sở hữu nhà ở. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp tái cân bằng, cụ thể là phát triển nhà ở xã hội như một công cụ bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tính bền vững của thị trường bất động sản.

Tính đến quý 1/2023, Việt Nam đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, với tổng quy mô gần 156,000 căn. Khoảng 401 dự án chuẩn bị được xây dựng, với tổng quy mô khoảng 454,000 căn. Tuy nhiên, nguồn cung đối với loại hình nhà ở này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu.

Tính riêng năm 2023, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ chào đón 6,117 căn nhà ở xã hội tại 11 dự án. Trong khi đó, TPHCM cũng dự kiến xây dựng thêm 3,800 căn tại 6 dự án, theo số liệu từ đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy nhà ở giá rẻ là rất đáng khen ngợi, mặc dù quỹ đất sẵn có, kết nối cơ sở hạ tầng, chính sách tốt hơn cho cả người mua và chủ đầu tư, và cơ cấu tài chính là cần thiết để tạo lực đẩy cần thiết cho lĩnh vực này và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà ở xã hội nhằm cung cấp thành công nhà ở cho tất cả mọi người trong thập kỷ tới.

Hà Lễ

FILI