Thêm 359 căn nhà thuộc khu đô thị Sài Gòn Bình An được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai
Ngày 11/04, Sở Xây dựng TPHCM có văn bản chấp thuận bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 359 căn nhà liên kế vườn thuộc khu nhà ở thấp tầng trong dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức (quận 2 cũ).
Vị trí dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An |
Trong 359 căn vừa được chấp thuận, 100 căn thuộc 2 cụm nhà có ký hiệu LV2-6 và LV2-7, còn lại 259 căn thuộc 6 cụm nhà có lý hiệu từ LV1-2 đến LV1-7. Các căn nhà này đều đã được ngân hàng bảo lãnh cho dự án là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đồng ý cho chủ đầu tư mở bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đây là đợt chấp thuận hình thành trong tương lai thứ 3 của dự án này. Hai lần chấp thuận trước lần lượt là vào tháng 6/2022 và tháng 1/2023 với tổng số 1,469 căn được phê duyệt.
Khu đô thị Sài Gòn Bình An có tổng diện tích hơn 117 ha, nằm ngay trục đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây giao với đường Đỗ Xuân Hợp. Dự án báo gồm 1,850 căn nhà ở thấp tầng và 8,530 căn hộ chung cư.
Dẫn tin từ Báo Xây dựng, dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, năm 2021, dự án được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là khu liên hợp sân golf – thể thao và nhà ở. Đến năm 2015, UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án.
Tuy nhiên, đến năm 2016, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu đã chỉ ra việc chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình là thực hiện không đúng trình tự; phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe đối với khối nhà ở, nhà chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ là chưa phù hợp quy định và đảm bảo diện tích đỗ xe. Theo đó, năm 2017, Thủ tướng đã có văn bản chấp thuận cho điều chỉnh thành dự án khu đô thị với tổng diện tích hơn 117.4 ha như hiện nay.
Một thông tin đáng chú ý khác là việc điều chỉnh giảm diện tích dự án còn đến từ nguyên nhân tuyến cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây thay đổi tuyến đường dẫn, dẫn đến chồng lấn ranh quy hoạch, khiến hơn 7,228 m2 diện rích đã đền bù trước đó không thể sử dụng. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng thu hồi 35,773 m2 đất của dự án để làm đường.
Với những điều chỉnh kể trên, dù đã được bàn giao đất từ năm 2001 nhưng phải đến tháng 03/2021, dự án mới có thể khởi công xây dựng.
Chủ đầu tư liên tiếp thua lỗ, nợ trái phiếu hơn 6,500 tỷ
Được biết, chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI). SDI đã được giao đất thực hiện dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An từ năm 2001 theo Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 12/01/2001.
Trong năm 2022, dù Sở Xây dựng đã chấp thuận hình thành nhà ở trong tương lai đối với 915 căn nhà liên kế thuộc dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, nhưng kết quả kinh doanh của SDI lại ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 3,096 tỷ đồng (năm 2021 lỗ hơn 153 tỷ đồng).
Không những lỗ nặng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của SDI tại còn tăng từ 21.32 vào đầu năm lên 128.72 vào cuối ngày 31/12/2022, đồng nghĩa nợ phải trả đã vượt vốn chủ sở hữu. Trong đó, tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 1.78 lên 8.78.
SDI đang có 1 lô trái phiếu mã SDICB2124001 với giá trị tại thời điểm phát hành là 6,575 tỷ đồng. Lãi suất 10%/năm và kỳ trả lãi là 3 tháng/lần. Tính đến thời điểm hiện tại, SDI vẫn chưa thực hiện mua lại trước hạn lô trái phiếu này lần nào. Lô trái phiếu sẽ đáo hạn vào ngày 15/12/2024.
Ngoài ra, SDI đang thế chấp dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An tại Techcombank (TCB).
Hà Lễ
FILI