Hai vấn đề sau đám cháy rực trời bên kênh

Hai vấn đề sau đám cháy rực trời bên kênh Tàu Hủ

Sáng ngày 02/04, sau trận hỏa hoạn bùng phát trên diện rộng gần 500 m2, dãy nhà ở hẻm 124 Phạm Thế Hiển nằm ven kênh Tàu Hủ, phường 2, quận 8 chỉ còn lại một đám tan hoang. Giữa những căn nhà đã đổ sụp, nhiều tấm tôn bị hun nóng cong vẹo, đồ đạc, vật dụng hầu như đã cháy thành than, vẫn còn bốc khói. Người dân sau một đêm di tản đã trở về, dù hiện trường vẫn đang được phong tỏa, chưa được tiếp cận nhưng ai nấy đều lo lắng, nhiều người vừa nghe ngóng vừa tranh thủ kiếm tìm, thu gom đồ đạc còn sót lại.

Cơ quan chức năng bước đầu xác nhận khói lửa bùng lên tại một bãi chứa vật liệu gỗ cũ phía sau căn nhà trong hẻm 124 đường Phạm Thế Hiển, sát mép kênh. Đám cháy sau đó lan ra, thiêu rụi hoàn toàn 50m² nhà số 206/1/18A; khoảng 100/150m² nhà số 206/1/18; khoảng 320m² bãi vật liệu gỗ cũ (nằm ở phía sau dãy nhà, ngay bờ sông). Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng hệ lụy cháy lan ra nhiều căn nhà trong khu dân cư một lần nữa đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Trong đó, với vụ cháy từ nhà xưởng lan ra nhà dân ngay bên mép con kênh Tàu Hủ đã lộ rõ hai yêu cầu cấp bách mà chính quyền thành phố cần và phải đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất, là hiện trạng nhà xưởng, nhà kho chuyên cất chứa các nguyên liệu dễ gây cháy; điểm thu mua vật liệu dễ gây cháy nổ vẫn cứ tồn tại và “sống chung” với nhà dân. Nói cách khác, dân tận dụng nơi ở thành nơi cất chứa vật dụng, sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ cao. Cụ thể như khu vực vụ hỏa hoạn tối 01/04 vừa qua vốn chuyên sản xuất đồ gỗ, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và những quy định của pháp luật có liên quan thì việc mở xưởng gỗ trong khu dân cư không bị cấm. Trong các tiêu chí cần đáp ứng một số điều kiện về bảo vệ môi trường thì cũng chỉ nêu 3 lưu ý là không gây ồn, không để gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí. Còn nguy cơ cao là gây hỏa hoạn, cháy nổ thì lại nằm trong quy định phòng cháy chữa cháy song từ các nguyên tắc pháp quy đến tồn tại thực tế lại luôn có khoảng cách, cả những điểm mù pháp lý lẫn những điều khoản thuộc về “khuyến cáo”, “vận động”. Nên sự phòng đã lỏng lẻo thì sự chống hỏa hoạn, cháy nổ chỉ có thể ứng phó khi mọi sự đã… bốc hỏa hoặc bị thiêu rụi!

Hơn 10 năm trước, 2013, vụ nổ kinh hoàng từ căn nhà số 384/9 Nam Kỳ Khởi nghĩa, P.8, Q.3 do ông Lê Minh Phương (giới làm phim gọi là “Phương khói lửa”) thuê chứa đạo cụ đã khiến 6 người trong gia đình ông thiệt mạng và 4 người bà con, hàng xóm. Điều đau xót là việc thuê nhà để vừa sống vừa chứa đạo cụ chuyên tạo khói nổ cho đoàn phim hầu như không được yêu cầu khai báo, cơ quan quản lý địa bàn nơi người dân lưu trú cũng không nắm.

Ngay sau vụ nổ, trên báo chí rộ lên yêu cầu phải kiểm tra các “quả bom hẹn giờ” ngay trong nhà dân nhưng sau vài tháng, mọi chuyện lại lắng dần. Cho đến nhiều vụ hỏa hoạn khác bùng cháy trong tiệm karaoke, nhà hàng hát với nhau… thì các cơ quan chức năng lại cấp tập vào cuộc kiểm tra, xử lý. Nhưng thảm họa vẫn ập đến, lặp lại và những bài học đau xót tưởng mới nhưng rất cũ kia cứ được nhắc, được hối thúc… ôn lại.

Đến bao giờ thì chúng ta mới có thể hoàn tất bản quy hoạch thực tế đó là tách điểm kinh doanh có vật liệu dễ gây cháy nổ, điểm kho, xưởng cất giữ nguyên vật liệu dễ gây cháy nổ ra khỏi khu dân cư. Hoặc trong khi chờ một bản quy hoạch toàn diện thì có thể tiến hành dọn dẹp, sắp đặt lại từng phần để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ gây cháy, nổ trong khu vực nhà ở từ các “quả bom hẹn giờ”?

Thứ hai, ngay trong đêm bùng phát hỏa hoạn, nhìn hình ảnh ngọn lửa cháy dài bên dòng kênh, biến cả một đoạn kênh dài đỏ rực, nhiều người thảng thốt, nhà ở ngay bên sông nước mà vẫn không cứu được.

Thực tế, các căn nhà bị cháy rụi trong đêm 01/04 vốn nằm trong chương trình giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch mà nghị quyết đảng bộ TP.HCM đã xác lập từ cách đây 20 năm. Hiện trạng của khu vực dân cư này khá phức tạp, để giải quyết được phần xương xẩu là di dời, giải tỏa, bố trí nơi ở mới có gắn với mưu sinh là cả một bài toán cực kỳ khó với nguồn lực của thành phố trong nhiều năm qua.

TP.HCM từng đặt ra mục tiêu di dời 6,500 căn nhà trên và ven kênh rạch thông qua 17 dự án, nhu cầu vốn hơn 19,000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025. Nhưng đến hết quý 2 năm 2023 thì thành phố chỉ mới bồi thường và dời được 657 căn, đạt hơn 10%. Liệu hơn 1 năm còn lại, mục tiêu trên có hoàn toàn khả thi?

Trong một lần trao đổi với nguyên lãnh đạo thành phố, vị này nói với chúng tôi đã gặp và gửi “tâm thư” cho lãnh đạo đương nhiệm về việc bằng mọi giá phải hoàn thành cam kết đến năm 2025 thành phố sẽ không còn nhà lụp xụp ven kênh rạch. Chúng tôi cũng nhận được xác quyết của lãnh đạo thành phố về việc này, xem như là trách nhiệm với người dân thành phố. Nhưng, với nguồn lực – chủ yếu là vốn cộng với thủ tục đền bù rất phức tạp (bởi đa số các hộ không có giấy tờ, xây dựng lấn chiếm… nên quá trình xác minh, đền bù chậm, kéo dài thời gian) dẫn tới hệ quả kêu gọi đầu tư không dễ, ngân sách thì hạn hẹp, thủ tục nhiêu khê…

Nhưng để hoàn thành “bằng mọi giá” thì trong đó phải nhanh chóng đa dạng hóa cách thức tìm nguồn vốn, có thể một phần từ trung ương, vốn vay của các tổ chức tài chính; hoặc thành phố tìm nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư trọn gói từ khu di dời đến khu tái định cư… Chỉ như vậy mới có thể “về đích” năm 2025, 50 năm thành phố hòa bình sẽ không còn những dãy nhà nhếch nhác ven kênh rạch ô nhiễm, xấu xí.

Và tất nhiên, để không tồn đọng những nhà xưởng, kho chứa vật liệu dễ gây cháy nổ ngay trong khu dân cư mà bùng phát thành đám cháy rực trời ngay bên kênh Tàu Hủ như đêm 01/04 vừa qua.

Quốc Học

FILI