Hướng đi nào cho phân khúc nhà ở xã hội?
Tại tọa đàm Bất động sản mùa Xuân lần thứ 4 diễn ra vào ngày 15/03 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia có đề xuất cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường hướng đến nhu cầu thực gắn với phát triển nhà ở xã hội, trong đó một số đề xuất nổi bật liên quan đến việc phát triển theo hướng cho thuê.
Các diễn giả thảo luận tại phiên đối thoại của chương trình (Ảnh: HNV) |
Cụ thể, phân tích về nhà ở xã hội, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đánh giá, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, Chính phủ đặt ra mục tiêu 130,000 căn hộ nhà ở xã hội. Hiện, theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 400 dự án, trong đó 71 dự án hoàn thành, cung cấp 38,000 căn, 127 dự án đã khởi công, nhiều dự án đã chấp thuận chủ đầu tư. Năm 2024 dự kiến 108 dự án sẽ hoàn thành, cung cấp 148.000 căn. Có thể nói đây là điểm nhấn quan trọng của lượng cung.
Thêm vào đó, điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội cũng đang rộng mở hơn. Không cần thường trú, có nhà ở quê nhưng sinh sống ở thành phố vẫn được mua. Chưa kể, Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia từ phía cung. Cộng với đó là chính Việt Nam cũng tiếp tục cải thiện thu nhập lao động.
Tuy nhiên, theo ông Phong, thị trường chắc chắn vẫn còn thách thức, một là tính hai mặt của các luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua.
Thứ nhất, bỏ khung giá đất, trong bối cảnh chi phí vật liệu, nhân công tăng lên thì giá nhà sẽ tăng; thứ hai, thu nhập người lao động chưa được cải thiện nhiều, thứ ba, ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển chưa thực sự đảm bảo cân bằng giữa các bên và cuối cùng cơ chế phân phối còn bất cập.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước là làm sao người dân đều có nhà ở, tuy nhiên tâm lý của đại bộ phận người Việt Nam đều muốn sở hữu nhà riêng, do đó, nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội. Ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính.
“Thiết nghĩ, việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Trong dân còn nhiều tiền, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nhà ở xã hội là nhà ở của Nhà nước đứng ra quy hoạch, hỗ trợ cho bộ phận dân cư yếu thế. “Chúng ta cần quy hoạch làm sao để mang đặc tính khu dân cư, đáp ứng nơi ăn chốn ở, công việc, nhu cầu sinh hoạt. Còn có quan điểm nhà ở xã hội giá thấp nên chất lượng thấp, dẫn đến nhiều khu xây xong không bán được, người dân không đến ở nên đã đến lúc chúng ta cần làm bài bản” – PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khẳng định, phát triển nhà ở xã hội đang tồn tại vấn đề là chưa thiết kế trên tư duy cho thuê, như ở Đức chỉ hỗ trợ thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, đối với việc phát triển nhà ở xã hội, không nên có cách tiếp cận theo hướng “ta chỉ nên”, “ta chỉ làm” mà cần tiếp cận theo nhiều cách, nhiều góc độ để miễn sao kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân. “Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều điểm mới so với luật cũ, cần phải tiếp cận ở góc độ rộng hơn”– TS. Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Huy Khải
FILI