Kiều hối đổ về Việt Nam tác động gì tới bất động sản?
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ sôi động khi các Luật Đất đai, Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực khi rộng cửa cho người Việt kiều mua nhà.
Nhu cầu lớn
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều.
Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang “chảy” mạnh, người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hằng năm. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam năm 2019 là 117.800 người…
Cũng theo dữ liệu trên, số lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Việt Nam tính đến tháng 3/2022 là 100.000 người, tăng gấp gần 10 lần so với năm 2005.
Thị trường bất động sản đón sắp đón dòng tiền từ kiều hối. |
Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hiện có 600.000 – 700.000 Việt kiều là doanh nhân, trí thức có trình độ cao (chiếm 10-12% cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài), nhiều người muốn trở về quê hương để đầu tư, kinh doanh hoặc sinh sống, nên nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam là rất lớn.
Việc làm ăn lâu dài ở Việt Nam cũng như nhu cầu đầu tư trước sức hút từ tiềm năng của thị trường bất động sản tại Việt Nam chắc chắn sẽ làm nảy sinh nhu cầu sở hữu nhà ở, căn hộ. Bên cạnh đó, sự lựa chọn của giới nhà giàu nước ngoài khi mà giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam ngày càng tăng lên.
Rộng cửa mua nhà
Những quy định của Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản đã được thông qua tạo cách tiếp cận thống nhất, đồng bộ để bảo đảm người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam có quyền sử dụng đất, quyền kinh doanh bất động sản như công dân trong nước.
Luật Đất đai mới quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai, chứ không chỉ quyền đối với đất ở như công dân Việt Nam ở trong nước.
Với quy định mới, Việt kiều được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản (để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật).
Còn Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với nhiều nội dung mới, trong đó mở rộng chào đón Việt Kiều có nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (quốc tịch Việt Nam) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước (nghĩa là được kinh doanh bất động sản như công dân trong nước).
Riêng đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam (không mang quốc tịch Việt Nam), chỉ được kinh doanh bất động sản theo các hình thức như luật hiện hành.
Quy định trên đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định theo hướng dẫn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh, thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.
Như vậy, quy định của 3 luật đã thông qua cơ bản thống nhất, đồng bộ, nhằm đảm bảo Việt kiều còn giữ quốc tịch Việt Nam có quyền sử dụng đất, quyền kinh doanh tại Việt Nam như công dân trong nước.
Theo thống kê, đến 25% lượng kiều hối sẽ được gửi gắm vào nhà đất. Nhiều chuyên gia nhận định tình hình kinh doanh bất động sản có thể sẽ được cải thiện một phần nhờ lượng kiều hối trên 10 tỷ USD mỗi năm, riêng năm 2023 ghi nhận mức lịch sử 16 tỷ USD.
Ngọc Mai
Tiền phong