Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Các doanh nghiệp bất động

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Các doanh nghiệp bất động sản nên giảm đòn bẩy tài chính

Phát biểu tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp, bao gồm giảm đòn bẩy tài chính và hạn chế đầu tư dàn trải.

Ngoài ra, để thị trường bất động sản được tốt hơn, theo ông Sinh, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn, bên cạnh tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…

Đồng thời, việc huy động vốn cần gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải, đầu tư cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ.

Về giá thành sản phẩm bất động sản, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phầm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng tin tưởng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những chính sách đã và đang triển khai trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: BTC

Chia sẻ về tình hình thị trường bất động sản quý 4/2023 vừa qua, ông Sinh cho biết, nguồn cung nhà ở thương mại đã hoàn thành 29 dự án với quy mô khoảng 13 ngàn căn, tăng 38% so với quý 3/2023; cấp phép mới 20 dự án với quy mô khoảng 11 ngàn căn, tăng 33%; đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai 47 dự án với quy mô khoảng 14 ngàn căn, đạt mức đi ngang; đang triển khai 854 dự án với quy mô khoảng 402 ngàn căn.

Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành 7 dự án với quy mô 4 ngàn căn; đã được cấp phép, khởi công xây dựng 9 dự án với quy mô 5.2 ngàn căn. Tính cả năm 2023, hoàn thành 28 dự án với quy mô 13.8 ngàn căn; đã được cấp phép, khởi công xây dựng 16 dự án với quy mô 22.3 căn.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở đã hoàn thành 68 dự án với quy mô khoảng 5 ngàn ô/nền, tăng 88% so với quý 3/2023; đang triển khai xây dựng 524 dự án với quy mô khoảng 41 ngàn ô/nền, tăng 123%; được cấp phép mới 29 dự án với quy mô khoảng 3 ngàn ô/nền, tăng 26%.

Về lượng giao dịch trong phân khúc đất nền, khép lại quý 4/2023, có 81 ngàn giao dịch, bằng khoảng 89% so với quý 3/2023; đối với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ có 27 ngàn giao dịch, bằng khoảng 92% so với quý 3/2023.

Về tồn kho bất động sản, so với quý 3/2023, lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý 4/2023 bằng khoảng 88%; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115% và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78%.

Về giá bất động sản, trong quý 4/2023, giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, đặc biệt là các khu vực trung tâm.

Giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ trong năm 2023 tại các địa phương có xu hướng giảm đều theo quý và giảm từ 10 – 14% so với năm 2022. Giá cho thuê văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có xu hướng giảm 9 – 22% so với quý trước. Giá bán và lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm và hạn chế về giao dịch. Giá thuê bất động sản công nghiệp có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước.

Về dư nợ tín dụng bất động sản, tính đến ngày cuối tháng 11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Theo ông Sinh, tức là so với giai đoạn trước, dư nợ bắt đầu tăng lên, nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn.

Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong cả năm 2023 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 311 ngàn tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản 73 ngàn tỷ đồng, chiếm 23% tổng giá trị và tăng 40% so với năm 2022.

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4.6 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4.8% so với cùng thời điểm năm trước.

Về hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản hiện nay vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, khó khăn, vướng mắc pháp lý dự án như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên.

* Phó Chủ tịch VNREA: Luật Đất đai (sửa đổi) đã đặt được viên gạch đầu tiên cho nền móng thị trường

* Chủ tịch HBC Lê Viết Hải: Chính phủ đã giải quyết những vấn đề khiến doanh nghiệp ‘kêu khóc’ rất nhiều năm

Tử Kính

FILI