Nhà ở xã hội năm 2023 đạt 4.7% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025
Năm 2023, cả nước hoàn thành hơn 20 ngàn căn NOXH so với kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là 428 ngàn căn, đạt 4.7%.
Kết quả thực hiện còn khiêm tốn
Trên đây là kết quả thống kê về tình hình thực hiện đề án xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) trong báo cáo toàn cảnh thị trường năm 2023 của Viện nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam được nêu ra tại Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 – VREF 2024 với chủ đề “Vượt qua thách thức”.
Thực hiện báo cáo do bà Phạm Thị Miền – Phó Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư cùng ông Lê Đình Chung – Thành viên tổ công tác nghiên cứu thị trường thuộc Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.
Theo báo cáo, nhu cầu NOXH trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 1.24 triệu căn và 1.16 triệu căn giai đoạn 2025 – 2030. Do đó kế hoạch đặt ra trong hai giai đoạn lần lượt là 428 ngàn căn và 634 ngàn căn.
Trong năm 2023, 110 dự án đã khởi công, quy mô trên 100 ngàn căn NOXH, 309 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư mới với hơn 292 ngàn căn.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc đặc biệt liên quan đến vấn đề về bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư và xác định đối tượng được hưởng chính sách.
Vì thế, kết quả đề án không đạt như chỉ tiêu đề ra. Hết năm 2023, mới hoàn thành 20.2 ngàn căn, và đạt 4.7% chỉ tiêu giai đoạn năm 2021 – 2025. Đây là một kết quả khá khiêm tốn.
Dù vậy, phân khúc NOXH ngày càng có bước cải thiện mới khi mà số lượng dự án được cấp phép ngày càng tăng, có sự đột biến vào quý 3/2023 cùng với một số sự thay đổi hỗ trợ hơn, mở hơn ở Luật Nhà ở mới được thông qua và kết quả được kỳ vọng sẽ ấn tượng hơn trong năm 2024.
Kết quả đề án nhà ở xã hội năm 2023. Nguồn: Ảnh chụp màn hình |
Lực cầu bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng giảm 80%
Đối với thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, thị trường đạt hơn 3.1 ngàn sản phẩm, chỉ bằng 20% so với năm 2022, trong số đó condotel chiếm khoảng 40% và chỉ bằng 16% so với năm 2018.
Nửa đầu năm 2023, các chủ đầu tư liên tục hoãn và dừng quá trình bán hàng do các sản phẩm nghỉ dưỡng chủ yếu là các sản phẩm đầu tư, rất khó thanh khoản trong giai đoạn này. Sang quý 4/2023, nguồn cung đạt 913 sản phẩm, tương đương quý 3 trước đó, condotel chiếm 50%.
Trong năm qua, có tổng cộng 726 giao dịch thành công, chỉ bằng 6.5% so với năm 2022, một con số rất khiêm tốn, cho thấy phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2023. Nguồn: Ảnh chụp màn hình |
Bà Miền cho hay, đây là sản phẩm có giá trị tương đối cao, phục vụ mục đích đầu cơ, vì thế khi thu nhập người dân bị sụt giảm, niềm tin chưa phục hồi thì lực cầu ghi nhận giảm tới 80%.
Trong số 726 giao dịch, chủ yếu trên 80% đến từ các căn hộ biển, vừa đáp ứng nhu cầu ở thực, vừa có thể khai thác cho thuê. Đây cũng là phân khúc ghi nhận phục hồi rõ rệt nhất trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch. Giai đoạn cuối năm có những nơi tăng giá 3 – 5%.
Còn lại, hầu hết sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm có giá trị lớn trên 10 tỷ đồng đều ghi nhận sụt giảm, phải cắt lỗ, giảm sâu từ 30 – 40%, thậm chí 50% nhưng vẫn khó thanh khoản.
Năm 2023, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 10, quy định về tính pháp lý đối với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng do đó được kỳ vọng trở thành “cú hích” giúp phân khúc này tạo được đà để phát triển. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa ghi nhận tác động tích cực và trực diện của Nghị định này.
Bên cạnh đó, kết quả phục hồi ngành du lịch không đạt như kỳ vọng, thu nhập người dân bị ảnh hưởng, niềm tin vào thị trường chưa phục hồi hoàn toàn là những nguyên nhân khiến cho sức hút của phân khúc này ngày càng bị sụt giảm.
Giao dịch bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2023. Nguồn: Ảnh chụp màn hình |
Tử Kính
FILI