Lãi suất thấp, giá nhà cao, vàng “nhảy múa”, cơ

Lãi suất thấp, giá nhà cao, vàng “nhảy múa”, cơ hội tích lũy tài sản của người dân Việt ngày càng xa vời

Có một quy luật thường thấy là sau mỗi lần kết thúc chu kỳ thu nhập bất thường, thu lợi từ các tài sản rủi ro cao, đầu cơ, kinh tế ngầm sẽ là lúc các loại tài sản dễ được sử dụng làm công cụ rửa tiền tăng giá (vàng, ngoại tệ, crypto).

Nhờ những thành quả tăng trưởng kinh tế trong hơn 2 thập kỷ gần đây, Việt Nam ngày nay đã là một quốc gia được xếp vào nhóm thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3.6 lần, đạt gần 3,700 USD. Mặc dù không thể phủ nhận những thành tựu kinh tế trong thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt đất nước, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, tuy nhiên, thực tế đi kèm với tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng chênh lệch giàu nghèo.

Qua những giai đoạn kinh tế tăng trưởng cao, thị trường bất động sản, chứng khoán sôi động, Việt Nam đã hình thành nên một tầng lớp người giàu và siêu giàu. Theo báo cáo thịnh vượng hàng năm của Knight Frank, Việt Nam có khoảng 72,000 triệu phú (sở hữu tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên) năm 2021. Con số này có lẽ thực tế sẽ còn cao hơn do tình trạng sử dụng, dự trữ tiền mặt, vàng, ngoại tệ và những hoạt động kinh tế phi tiêu chuẩn vẫn còn chiếm tỷ trọng cao.

Tuy nhiên, nếu đặt bên cạnh một vài con số thống kê khác như thu nhập bình quân của 20% dân số giàu nhất cao gấp 7.6 lần so với nhóm 20% nghèo nhất (theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2022) và ngay cả 20% giàu nhất, thu nhập cũng chỉ khoảng 120 triệu đồng/năm (~5,000 USD) cho thấy rằng thành quả, sự thịnh vượng kinh tế trong suốt thời gian qua không dành cho số đông. Có lẽ chỉ một số ít người thu được lợi ích từ các giai đoạn lãi suất thấp, tiền “rẻ”, thị trường chứng khoán, bất động sản bùng nổ. Có lẽ con số này thấp hơn con số 1 triệu tài khoản chứng khoán đang hoạt động hiện nay (tức là chỉ chiếm khoảng 1% dân số Việt Nam).

Trong khi tầng lớp nhà giàu và siêu giàu đang tìm cách để giữ tài sản của mình, chuyển giao cho thế hệ tiếp theo (sự nở rộ của các mô hình quản lý tài sản từ ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ), thì đại bộ phận người dân (99% còn lại) bao gồm tầng lớp công nhân, tiểu thương nhỏ lẻ, công chức nhà nước, lực lượng vũ trang, nội trợ hưu trí, vẫn đang chật vật với bài toán tích lũy tài sản để có căn nhà đầu tiên hay có khoản tiền tiết kiệm đủ để lo cho mình khi về già. Đối với những người này, môi trường lãi suất thấp hóa ra lại là một làn gió ngược.

Tiền gửi tiết kiệm: Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới tháng 9/2023, quy mô tiền gửi dân cư tại các Ngân hàng Thương mại (NHTM) chạm mức 6.5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với đầu năm. Tính tới 30/12/2023, mặt bằng lãi suất tiết kiệm của các NHTM đã giảm khoảng 2.5% so với đầu năm (bắt đầu giảm từ tháng 5/2023). Như vậy, trong năm 2023, so với mặt bằng lãi suất đầu năm, người gửi tiết kiệm đã bị hụt đi số tiền lên tới 50,000 tỷ đồng. Mặc dù lãi suất tiết kiệm đã xuống thấp hơn cả mức trong giai đoạn COVID-19, trực tiếp “ăn” vào dòng tiền hưu trí hàng tháng của người dân, nhưng tiền tiết kiệm vẫn không ngừng đổ vào hệ thống ngân hàng do người dân không còn kênh tích lũy nào khác để đặt niềm tin.

Tích lũy vào bất động sản: Sử dụng đòn bẩy tài chính (chủ yếu từ hệ thống ngân hàng) để “lướt lát” đầu cơ BĐS là cuộc chơi của một số ít người trong nghề, có am hiểu, có tin tức, có mối quan hệ. Cách tiếp cận của đại bộ phận người lao động rất khác. Họ sử dụng tiền tiết kiệm (có thể vay thêm nhưng không nhiều và nghiêm khắc tuân thủ kỷ luật tài chính) để mua bất động sản dựa trên nhu cầu ở thực, bất động sản có khả năng tạo ra dòng tiền hoặc bất động sản tiềm năng có giá hợp lý.

Tất cả các yếu tố này hầu như đều không tồn tại trên thị trường hiện nay: Cung về BĐS bình dân hầu như không có, thị trường tràn ngập BĐS cao cấp là công cụ đầu cơ của những “tay chơi”; BĐS đất nền bị bơm thổi giá trên trời, không có tiềm năng tạo ra dòng tiền, không đem lại giá trị cho nền kinh tế nhưng đang được thế chấp tại ngân hàng nên giá rất khó giảm. Môi trường lãi suất thấp là cứu cánh, là điều kiện để các doanh nghiệp BĐS, dân đầu cơ tiếp tục “gồng” để hy vọng vào phép màu trong tương lai, tuy nhiên nó làm hại tới chính túi tiền của đại bộ phận dân chúng gửi tiết kiệm, từ đó ảnh hưởng ngược lên sức cầu.

Tích lũy vào vàng: Vàng là một loại tài sản đặc biệt mang tính phòng thủ trong những giai đoạn bất ổn của kinh tế. Lịch sử cũng đã chứng minh giá trị của vàng trong việc chống lại lạm phát trong kỷ nguyên của tiền giấy pháp định (tiền Fiat). Do đó, vàng luôn có trong danh mục tài sản tích lũy của mọi nền kinh tế, điều này đặc biệt đúng đối với người dân châu Á, trong đó có người Việt Nam. Tuy nhiên, trong một giai đoạn dài, sự yêu thích vàng đã bị triệt tiêu bớt bởi chính sách chống đô la hóa, chống vàng hóa của NHNN, tạo ra một sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới duy trì trong một thời gian dài. Điều này có tác dụng thúc đẩy một phần nguồn vốn lẽ ra tích lũy vào vàng ra nền kinh tế nhưng không ngăn được các đợt đầu cơ giá vàng. Bởi lẽ, cũng như kênh chứng khoán, đầu cơ vàng không phải là cuộc chơi dành cho số đông, nhu cầu tích lũy tài sản chính đáng của người dân sẽ là ổn định hàng năm và không thể tạo ra các cơn sốt giá.

Tuy nhiên, việc tích tụ nhu cầu nhiều năm không được đáp ứng đã tạo nên một môi trường lý tưởng cho các đợt đầu cơ. Có một quy luật thường thấy là sau mỗi lần kết thúc chu kỳ thu nhập bất thường, thu lợi từ các tài sản rủi ro cao, đầu cơ, kinh tế ngầm sẽ là lúc các loại tài sản dễ được sử dụng làm công cụ rửa tiền tăng giá (vàng, ngoại tệ, crypto). Với những người đã kiếm gấp đôi, gấp ba trên thị trường chứng khoán, tiền ảo thì việc giá vàng tăng 5-10% trong một vài phiên sẽ không phải là vấn đề, nhất là khi họ có một niềm tin kiên định vào giá trị của vàng theo thời gian. Người chịu thiệt cuối cùng chính là những người mong muốn sử dụng vàng như một kênh tích lũy và phòng thủ trước biến động bất định của tương lai.

Đại bộ phận tầng lớp trung lưu, lực lượng lao động chủ yếu cũng đồng thời là lực lượng tạo nên sức cầu của nền kinh tế cần phải được bảo vệ trước lạm phát (đó cũng chính là vai trò tối thượng của các NHTW) và phải được tạo điều kiện, cho cơ hội để tích lũy tài sản dưới nhiều hình thức khác nhau hợp pháp, bởi đó chính là cơ sở của sức cầu. Kích cầu sẽ không hiệu quả nếu như cơ sở của cầu là tích lũy tài sản không được bảo vệ. Tình trạng này cũng tương tự như người ốm lạm dụng nước tăng lực như một giải pháp tạm thời, nhưng hiệu quả sẽ giảm dần theo thời gian, đến một thời điểm nào đó sẽ không còn tác dụng, và rất có thể còn để lại những hậu quả nặng nề, lâu dài đối với sức khỏe trong tương lai.

LH

FILI