Thông qua Quy hoạch vùng Đông Nam bộ để hình thành các động lực tăng trưởng mới
Ngày 15-12, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng đã biểu quyết thông qua Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, bản quy hoạch này là tiền đề góp phần tạo ra các cơ chế, chính sách để hình thành các động lực tăng trưởng và không gian phát triển mới cho toàn vùng.
Các tỉnh Đông Nam bộ sẽ cùng nhau khai thác không gian dọc theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai trong vai trò của một không gian xanh-sinh thái kết nối vùng. Trong ảnh: Sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bến Dược, Củ Chi, TPHCM. Ảnh: H.P |
Quy hoạch vùng Đông Nam bộ là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng, theo TTXVN.
Đây là bản quy hoạch vùng được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Quy hoạch được kỳ vọng sẽ giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng. Đây cũng là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 6 điểm chính trong quy hoạch Đông Nam bộ.
Thứ nhất là tạo các cơ chế, chính sách để hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới.
Thứ hai, hình thành và phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Thứ ba, hướng đến khai thác không gian dọc theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đóng vai trò một không gian xanh-sinh thái kết nối vùng.
Thứ tư, định hướng tổ chức lại không gian phát triển công nghiệp vùng gắn với chia sẻ chức năng giữa các địa phương trong vùng, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công năng, mô hình phát triển các khu, cụm công nghiệp…
Thứ năm, chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt giữa các đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển của vùng và kết nối liên vùng, phát triển hạ tầng thông tin-truyền thông, các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu du lịch…
Và cuối cùng là tập trung thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phát triển dọc theo các hành lang kinh tế, phân bố lại không gian sản xuất công nghiệp gắn với phát triển đô thị hiện đại, phát triển dịch vụ logistics, du lịch.
Vùng Đông Nam bộ gồm TPHCM và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.
Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 31% cả nước, xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước và GRDP bình quân đầu người của vùng gấp 1,64 lần cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.
Thành Tín
TBKTSG