Thủ tướng: Các doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại phân khúc, giảm giá bán
Sáng 07/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ tịch, tổng giám đốc 38 ngân hàng thương mại, đại diện Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, các hiệp hội, ngành hàng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thời gian qua, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn, thách thức về vốn. Ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế.
“Các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo Thủ tướng, lúc thị trường bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển. Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp.
“Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không. Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?”, Thủ tướng nói.
6 dự án nhà ở xã hội được cam kết vay gần 2 ngàn tỷ đồng
Về chương trình tín dụng 120,000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai tại 4 NHTM. Kết quả, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1,986 tỷ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỷ đồng, chưa đạt như kỳ vọng của Thủ tướng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm; qua hai hội nghị về bất động sản, Thủ tướng đã đề nghị điều này đến nay chưa được triển khai tích cực.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả chương trình tín dụng 120,000 tỷ đồng. Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà. Đồng thời, phối hợp Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, giảm giá bán sản phẩm.
Thanh Tú
FILI