TPHCM: Chi 9.000 tỷ đồng cho dự án cầu Cần Giờ
Dự kiến tổng chiều dài cầu và đường dẫn của dự án cầu Cần Giờ khoảng 7,3km, tốc độ thiết kế 60km/h, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Liên quan về tiến độ triển khai dự án xây dựng cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè, sáng 21-11, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, hiện có 2 nhóm phương án hướng tuyến đang nghiên cứu tiền khả thi.
Phối cảnh cầu Cần Giờ: Ảnh: QUỐC HÙNG |
Theo đó, nhóm đi theo trục Huỳnh Tấn Phát băng qua sông Soài Rạp có 3 phương án. Phương án 1, đường dẫn từ đường Huỳnh Tấn Phát đi sát bên chung cư Phú Mỹ Thuận đến Trường THCS Phú Xuân, rồi đi kế bên nhà máy X51 của Công ty TNHH MTV đóng và sửa tàu Hải Minh, nhịp cầu bắc qua sông Soài Rạp (đoạn giao với sông Lòng Tàu). Sau đó, đường dẫn tiếp tục đi qua khu dân cư bên phải phà Bình Khánh kết nối vào khu vực đường Rừng Sác, cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Phương án 2, đường dẫn bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát qua đường Nguyễn Bình đến khu vực miếu bà Chúa Xứ rồi chạy dọc theo bờ sông phía huyện Nhà Bè và nhịp cầu bắc qua sông Soài Rạp kết nối xuống cù lao xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ đi song song với cao tốc Bến Lức – Long Thành đến đường Rừng Sác.
Phương án 3, đường dẫn từ đường Huỳnh Tấn Phát sát bên chung cư Phú Mỹ Thuận đến Trường THCS Phú Xuân bên phải sát miếu Bà Châu Đốc 2. Đối với nhóm phương án đi theo trục đường 15B: đường 17 trong khu dân cư Phú Xuân với tên gọi 2A, 4A, 4B.
Cầu Cần Giờ khoảng 7,3km, tốc độ thiết kế 60km/h, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Về phương án 2A, đường dẫn đi dọc theo đường 15B qua rạch Mương Ngang rẽ trái về phía Trường THPT Dương Văn Dương đến miếu Bà Chúa Xứ. Từ đây, hướng tuyến trùng với phương án 2 đã nói trên.
Phương án 4A, 4B đường dẫn đi dọc theo đường 15B khi qua rạch Mương Ngang băng qua đường Nguyễn Bình đến bờ sông Soài Rạp phía Nhà Bè. Nhịp cầu bắc qua luồng cong của sông Soài Rạp đoạn gần cầu Bình Khánh – cao tốc Bến Lức – Long Thành. Khi qua bờ phía huyện Cần Giờ, đường dẫn đi giữa cù lao xã Bình Khánh, tiếp đó tương tự phương án 2A và 3.
Điểm khác nhau giữa phương án 4A và 4B là vị trí đường dẫn tại bờ sông phía Nhà Bè. Hướng tuyến kết nối này đã được UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để bổ sung vào quy hoạch giao thông của TP.
Dự kiến tổng chiều dài cầu và đường dẫn của dự án cầu Cần Giờ khoảng 7,3km, tốc độ thiết kế 60km/h, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Ngoài cầu chính vượt sông Soài Rạp còn có một số cầu phụ như cầu rạch Mương Ngang, cầu sông Chà, cầu Tắc sông Chà. Hiện tại, TPHCM dự kiến đầu tư dự án bằng hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng.
Quốc Hùng
SGĐTTC