Bình Dương: Đầu tư 92.660 tỉ đồng xây nhà ở xã hội
Ngày 26-9, tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội thảo khoa học góp ý Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn giai đoạn 2021-2030.
Theo số liệu tại hội thảo, dự báo tổng số đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội đến năm 2030 là khoảng 130.000 người. Dự kiến, từ năm 2021-2030, Bình Dương sẽ đầu tư khoảng 173.000 căn, diện tích sàn trên 10 triệu m2; tổng diện tích đất là 612 ha, đáp ứng cho hơn 678.000 dân. Tổng mức đầu tư khoảng 92.660 tỉ đồng, cao hơn chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Tại hội thảo, ông Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BCONS, cho rằng trong vòng 3 năm tới, nếu thủ tục thuận lợi thì doanh nghiệp của ông có thể xây dựng và đưa vào ở khoảng 4.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư nhà ở xã hội hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho chủ đầu tư tham gia phát triển chú trọng nhiều vào giảm giá thành nhà ở xã hội, trong khi đó, lợi nhuận của chủ đầu tư bị khống chế ở định mức khá thấp, nên không hấp dẫn.
Nhà ở xã hội Becamex Định Hòa tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương |
“Về mặt thủ tục đầu tư thì chúng ta không thể rút ngắn theo quy định của luật pháp, tuy nhiên nên lập ra cơ quan chuyên môn để phụ trách, thúc đẩy đầu tư. Các cơ quan này phải đủ thẩm quyền để kết nối giữa các ban ngành, huyện thị để từ đó làm thủ tục nhanh hơn. Địa phương cũng nên ban hành danh mục những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đã được xác minh đủ điều kiện mua. Khi họ mua sẽ không phải chờ phê duyệt” – ông Lê Như Thạch kiến nghị.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đã chỉ ra một số giải pháp để phát triển nhà ở xã hội thời gian tới, đó là về thể chế cần sớm hoàn thiện Luật Nhà ở (sửa đổi) và ban hành các văn bản liên quan đến pháp luật về đầu tư, đặc biệt đất đai, quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, nhà ở, xây dựng, nhà ở xã hội; tìm nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu để tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc, chưa phù họp với thực tiễn.
Bên cạnh đó là tập trung giải quyết 6 nhóm chính sách lớn, bao gồm chính sách về đất đai để xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Chính sách về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; Chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
Người lao động