Động thái mới của Tập đoàn Hòa Phát tại dự

Động thái mới của Tập đoàn Hòa Phát tại dự án 5 tỷ USD ở Phú Yên

Theo đề xuất của Tập đoàn Hòa Phát, quy hoạch cảng Bãi Gốc gồm: Quy mô bến cảng, công suất, đê chắn sóng, quy mô nhà máy thép và sẽ chia thành các khu chức năng: Cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.

Sáng 21/09, Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho biết lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) để tập đoàn này báo cáo đề xuất phương án bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc. Cảng này tọa lạc tại xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ông Tạ Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, “vua thép” đề xuất các phương án bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc gồm: Quy mô bến cảng, công suất, đê chắn sóng, quy mô nhà máy thép; phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và đề xuất phương án khả thi… Việc bố trí mặt bằng khu vực cảng được phân chia riêng biệt cho các khu chức năng: Cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.

Sau khi nghe đề xuất của Tập đoàn Hòa Phát, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết cảng Bãi Gốc thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên có rất nhiều lợi thế, là nơi vận chuyển hàng hóa qua khu vực biển Đông. Vì thế tỉnh Phú Yên rất quyết tâm thu hút đầu tư.

Ông Tạ Anh Tuấn đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, so sánh từng phương án để đưa ra lựa chọn phương án tối ưu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ; quy hoạch tỉnh Phú Yên; và quy hoạch chung Khu kinh tế Nam Phú Yên, đúng quy định của pháp luật.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021, Khu bến Bãi Gốc – Đông Hòa có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất và vùng nước tại khu vực Bãi Gốc; với chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển khu công nghiệp Bãi Gốc, liên hiệp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Cảng này đón được cỡ tàu tổng hợp trọng tải đến 250,000 tấn.

Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên về các mảng hạ tầng khu công nghiệp, cảng, sản xuất gang thép và dự án thương mại, dịch vụ.

 

Các dự án gồm: Dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm; Dự án cảng Bãi Gốc; Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại khu công nghiệp Hòa Tâm và Dự án khu thương mại – dịch vụ. Tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất. Riêng Dự án Khu thương mại – dịch vụ triển khai đồng bộ với đầu tư Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại khu công nghiệp Hòa Tâm và các dự án thứ cấp khác.

Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án của Tập đoàn Hòa Phát dự kiến khoảng 120,000 tỷ đồng. Nhu cầu sử dụng lao động (đối với nhà máy thép) khoảng 12,000 người, trong đó lao động địa phương chiếm 80-90%. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 12 triệu đồng/người/tháng.

 

Thiên Vân

FILI