‘Chưa nên luật hóa việc Tổng liên đoàn Lao động đầu tư nhà ở xã hội’
Một số ý kiến tại Ủy ban Pháp luật cho rằng chưa nên quy định ngay việc Tổng liên đoàn Lao động là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, mà chỉ thí điểm trong thời hạn nhất định.
Đề nghị này được nêu tại báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật, ngày 24/8.
Tại các lần trình trước đây, Chính phủ đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất này.
Ngày 3/8, Tổng liên đoàn đề xuất họ chỉ thực hiện dự án nhà ở với tư cách cơ quan chủ quản, không trực tiếp là chủ đầu tư dự án. Dự án nhà ở xã hội này chỉ cho thuê, không bán và dùng tài chính công đoàn làm vốn thực hiện, đầu tư. Nhà ở cho thuê được quản lý vận hành như với nhà do Nhà nước đầu tư.
Ủy ban Pháp luật cho biết, một số ý kiến đồng tình với đề xuất này của Tổng liên đoàn, vì cho rằng sẽ bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.
Một số ý kiến cho rằng không nên quy định Tổng liên đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Bởi, vấn đề này chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện dự án, khả năng bảo toàn vốn.
Mặt khác, với cơ chế như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (nguồn vốn là tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm) thì sẽ không có đủ nguồn lực đạt mục tiêu đến 2030 tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn.
Do đây là vấn đề mới, nhiều nội dung chưa được làm rõ, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật, nên đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thí điểm có thời hạn việc đầu tư dự án nhà ở xã hội. Sau thời gian thí điểm chính sách này có hiệu quả mới quy định trong luật.
Khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần |
Hiện Luật Nhà ở 2014 chưa cho phép Tổng liên đoàn Lao động đầu tư nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là tổ chức có nguồn lực tài chính, từng thực hiện dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương. Do đó, tại các bản thảo dự Luật Nhà ở (sửa đổi) trình trước đây, Chính phủ đề xuất cho cơ quan này thí điểm đầu tư nhà ở xã hội.
Số liệu của Tổng liên đoàn Lao động cũng cho biết, hiện có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Hai năm trước, cơ quan này cũng từng kiến nghị với Chính phủ để tham gia xây nhà ở xã hội.
Liên quan tới trách nhiệm của chủ đầu tư dự án thương mại trong phát triển nhà ở xã hội, thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất hai phương án.
Phương án 1, giữ quy định như hiện hành và cũng được đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra chọn. Tức chủ đầu tư làm dự án thương mại tại đô thị đặc biệt, loại I, II và III sẽ phải dành quỹ đất trong dự án làm nhà ở xã hội, hoặc dùng quỹ đất ở vị trí khác, hay góp bằng tiền. Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, từng giai đoạn. Với đô thị bình thường, UBND cấp tỉnh đưa ra tiêu chí với chủ đầu tư.
Phương án 2, giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, là chủ đầu tư không phải có trách nhiệm làm nhà ở xã hội, mà do UBND tỉnh đảm trách. Đây là phương án Bộ Xây dựng – cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật, cơ quan này cho biết, sau chỉnh lý, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bỏ quy định cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư là ngành kinh doanh có điều kiện.
Bởi, dự luật do Chính phủ trình không đề xuất đây là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, không đề nghị sửa Luật Đầu tư để bổ sung là “có điều kiện”. Bỏ quy định này, theo cơ quan thẩm tra sẽ đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.
Dự kiến chiều nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 25, thảo luận những điểm còn khác nhau tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Anh Minh