Soi sức khỏe CC1: Doanh thu, vốn hóa tăng, trúng

Dịch vụ 

Soi sức khỏe CC1: Doanh thu, vốn hóa tăng, trúng nhiều dự án lớn

Việc liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu trọng điểm Quốc gia đang khiến cổ phiếu của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (mã CC1 – UPCoM) biến động tích cực khi mà sức khỏe tài chính của ông lớn ngành xây dựng này đang được đánh giá khả quan và có nhiều điểm sáng trong bối cảnh chung.

Liên tiếp trúng nhiều gói thầu trọng điểm Quốc gia

Trong 6 tháng đầu năm 2023, CC1 liên tiếp trúng nhiều dự án đầu tư công. Nổi bật là 4 Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với tổng giá trị 19,430 tỷ đồng gồm: Dự án cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang Gói XL01 (7,966 tỷ đồng); Dự án cao tốc thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau Gói XL03 (3,334 tỷ đồng); Dự án cao tốc thành phần đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh Gói 11-XL (3,690 tỷ đồng); Dự án cao tốc thành phần đoạn Chí Thạnh – Vân Phong Gói XL02 (4,440 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tính tới 30/6/2023, trên Báo cáo tài chính, CC1 cho biết đang triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình (phương thức PPP với giá trị 1,810.8 tỷ đồng); dự án nhà máy Điện Gió Hàm Kiệm – Bình Thuận (76.7 tỷ đồng); công trình Bệnh viện Đa khoa Bình Dương 1,500 giường (114.3 tỷ đồng),…

Đầu 2023, CC1 nằm trong liên danh trúng thầu 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc- Năm trị giá 19,430 tỷ đồng

Tháng 7, CC1  nằm trong liên danh trúng gói thầu số 12 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3” thuộc dự án “Xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất” trị giá 9,034 tỷ đồng

Đến ngày, 17/8, Ông lớn này tiếp tục nằm trong liên danh trúng gói thầu số 21 trị giá hơn 1,400 tỷ đồng – thi công xây dựng đoạn từ Km6+200 – Km16+000 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Đặc biệt, 24/8, ACV vừa có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 “thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” thuộc dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế, sân bay Long Thành giai đoạn 1. Kết quả cuối cùng,Tổ chấm thầu đã lựa chọn được nhà thầu cho gói thầu 5.10 là liên danh nhà thầu Vietur.

ACV đánh giá, liên danh Vietur gồm 10 công ty xây dựng lớn trong và ngoài nước, có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính để thực hiện thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành – hạng mục đóng vai trò cốt yếu quyết định tới tất cả các hạng mục khác và thời gian đưa sân bay này vào khai thác.

Vietur đã chính thức thắng gói thầu 5.10 – gói quan trọng nhất của sân bay quốc tế Long Thành

Thời gian thực hiện hợp đồng là 1,170 ngày, tương đương 39 tháng đã bao gồm cả các ngày nghỉ lễ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian diễn ra lễ ký kết hợp đồng dự kiến trong thời gian từ ngày 25/8 – 30/8.

Như vậy, chỉ trong năm nay, những gói thầu trọng điểm lớn nhất của quốc gia gồm sân bay Long Thành và cao tốc đều rơi vào tay ông lớn ngành xây dựng CC1.

Doanh thu tăng mạnh, nợ phải trả giảm đáng kể, cổ phiếu tăng vọt

Cổ phiếu CC1 được đánh giá khá ổn định. Tuy nhiên, cột mốc là liên danh duy nhất vượt qua vòng kỹ thuật đấu thầu bay Long Thành ngay lập tức khiến mã này tăng vọt. Theo thống kê, khối lượng giao dịch trung bình trong một tháng qua tăng gấp 800% so với trung bình một năm qua. Giá trị giao dịch đóng phiên hôm 24/8 ghi nhận 22,600 đ/cp, tăng gần 51% theo tháng và 111% theo quý, đẩy vốn hóa tăng gấp đôi trong một quý.

Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho biết, việc cố phiếu CC1 có chiều hướng tăng không chỉ đơn thuần ăn theo sóng liên danh Vietur. Xét về dài hạn, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này tương đối bền vững nhờ vào loạt gói thầu trọng điểm quốc gia đã trúng và đang thi công, khoản nợ phải thu lớn cùng nhiều chỉ số sáng.

Bóc báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này cho thấy, hiện các khoản phải thu trong ngắn hạn lên đến gần 7 ngàn tỷ đồng. Doanh thu thuần Quý 2 đạt 1,236.069 tỷ đồng tăng 225% so với quý trước. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1,782 tỷ. Đáng chú ý, nợ phải trả ngắn hạn của doanh nghiệp giảm đáng kể, khoảng 18% so với cuối năm 2022. Lượng tiền mặt gửi ngân hàng hiện tại ghi nhận 275.8 tỷ chưa tính các khoản đầu tư khác.

Hồi đầu năm, CC1 đặt kế hoạch doanh thu 10,761 tỷ đồng. Theo giới phân tích, do đặc thù của ngành xây dựng, trong giai đoạn đầu triển khai dự án, tập trung vào các khâu chuẩn bị máy móc thiết bị, thiết lập nguồn cung cấp nguyên vật liệu và bàn giao mặt bằng thi công thì chưa ghi nhận được nhiều doanh thu mà sẽ tập trung đẩy mạnh khi dự án đã vào nhịp thi công, chủ yếu từ giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023. Cùng với đó, các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm thúc đẩy việc giải ngân dòng vốn đầu tư công để kích thích phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng để dự báo doanh thu và lợi nhuận của CC1 sẽ có tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng cuối năm.

Đánh giá về gói thầu 5.1 sân bay Long Thành, Ông Trần Bá Trung – chuyên gia phân tích tại VNDirect cho biết, sân bay Long Thành sẽ là động lực tăng trưởng cho các DN xây dựng – vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023-2026. Đồng thời các công ty thắng thầu sẽ có cơ hội bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với doanh thu mảng xây lắp của các doanh nghiệp trong ngành.

VNDirect lưu ý rằng gói thầu tại các dự án sân bay thường được chủ đầu tư đối ứng vốn trong thời điểm khởi công lớn hơn (khoảng 30-50%) so với các dự án hạ tầng giao thông thông thường (10-20%), qua đó hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp trong ngành. Việc CC1 trúng gói thầu quan trọng này đã chứng minh được năng lực thi công so với các đối thủ khác trong ngành và sẽ có nhiều cơ hội nhận được các gói thầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn trong tương lai.

Trước đó, Vietcap ước tính tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10, trong trường hợp nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói. Như vậy, việc Vietur chính thức được công bố trúng thầu sẽ là một đòn bẩy bứt phá rất lớn cho nhóm doanh nghiệp này, bao gồm CC1. 

FILI