Xu hướng lâu dài chứ không phải khó khăn ngắn hạn
Trước hiện tượng hàng loạt mặt bằng bỏ trống, không có người thuê ở các tuyến đường trung tâm thành phố, nhiều người cho rằng nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, kinh doanh ế ẩm. Đúng là có nguyên nhân này thật, nhất là nhìn ở góc độ ngắn hạn. Nhưng nhìn dài hạn, phải nhìn nhận hiện tượng này như một xu hướng lâu dài trong kinh doanh và từ đó có những chiến lược thích ứng với tình hình mới.
Cho đến nay chúng ta chưa có số liệu cập nhật về tỷ trọng doanh số mua bán qua các nền tảng thương mại điện tử, so sánh với doanh số bán lẻ qua chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… Nhưng chỉ cần nhìn vào lượng shipper dập dìu trên đường phố, hàng ngày vận chuyển một khối lượng hàng hóa lớn đến tận tay người tiêu dùng, có thể nói tỷ trọng này đang tăng, ngày càng chiếm miếng bánh lớn hơn trên thương trường.
Hàng chục ngàn cá nhân đã trở thành người bán lẻ không cần mặt bằng, bày bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, đón khách mua bán cũng tấp nập, nhộn nhịp không kém các cửa hàng trên đường phố thời sầm uất nhất. Những người bán lẻ này chắc chắn không cần một mặt bằng hoành tráng, tốn tiền thuê ở mặt tiền các con phố. Họ sẵn sàng lùi vào hẻm để tiết giảm chi phí vận hành.
Và đó chỉ là một ví dụ nổi bật thể hiện xu hướng mới trong hoạt động kinh doanh. Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy chi nhánh các ngân hàng, các máy ATM ngày nay thường rất vắng khách – họ đã chuyển các giao dịch thường làm tại quầy lên ứng dụng trên điện thoại di động. Chẳng mấy chốc các ngân hàng sẽ phải xem lại chiến lược mở chi nhánh, liệu có cần thiết không khi mọi người đều giao dịch qua mạng. Tiết kiệm tiền thuê mặt bằng ai mà không muốn. Hàng loạt công ty, tổ chức trước đây cần một mặt bằng thuận tiện cho khách tiếp cận nay không còn nhu cầu đó nữa. Có thể họ sẽ phải duy trì sự hiện diện vật lý nhưng không nhất thiết phải là mặt tiền ngoài phố.
Các xu hướng này đòi hỏi những người làm quy hoạch đô thị phải tính đến một tương lai 5, 10 năm nữa khi khái niệm mặt tiền các đường phố trung tâm không còn như xưa. Các khu đô thị mới liệu có thu hút nhà đầu tư khi hoạt động thương mại đổi khác? Những nhà phát triển các chung cư, cao ốc phải tính toán diện tích tầng trệt, tầng lửng trước đây dành cho các trung tâm thương mại nay phải chuyển đổi công năng vì sẽ không có người thuê mở cửa hàng như trước.
Ở các nước xu hướng làm việc từ nhà làm nhiều tòa cao ốc văn phòng bị bỏ hoang, chủ đầu tư thua lỗ, kéo theo sự đóng cửa của các dịch vụ vệ tinh trước đây chuyên phục vụ nhân viên văn phòng như ăn uống, giải trí. Xu hướng này thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của các thành phố lớn mà hệ quả đến nay chưa đo lường hết. Ở nước ta không có xu hướng làm việc từ nhà như thế, nhưng sự dịch chuyển các hoạt động thương mại, dịch vụ từ trực tiếp tại một mặt bằng tập trung sang gián tiếp qua mạng là rất rõ nét.
Ngoài hiện tượng nhiều mặt bằng bị bỏ trống, sẽ còn nhiều tác động khác cần được phân tích thấu đáo, chẳng hạn tác động lên thị trường địa ốc, giá nhà đất, hướng phát triển đô thị… Biết đâu xu hướng này sẽ đẩy nhanh hiện tượng người mua nhà dịch chuyển ra xa khỏi trung tâm để tìm giá nhà đất rẻ hơn trong khi không phải hy sinh các tiện ích thương mại, dịch vụ nay được thực hiện trên mạng.
TBKTSG