TP HCM bổ sung nhiều tuyến đường sắt, đường trên

TP HCM bổ sung nhiều tuyến đường sắt, đường trên cao vào quy hoạch

Tuyến metro số 6 sẽ được nghiên cứu bổ sung quy hoạch kéo dài, kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và nối đến Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM (Sở GTVT) vừa có thông báo đến các tỉnh, thành lân cận, theo đó đề xuất các địa phương này tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, đường sắt kết nối Vùng TP HCM, đường trên cao, đường ven sông Sài Gòn.

Cụ thể, về các tuyến đường sắt đô thị, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị rà soát, làm rõ sự phù hợp với các quy hoạch và tổ chức nghiên cứu thêm các giải pháp kết nối các tuyến đường sắt đô thị kết nối các nhà ga T1, T2, T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất với các tuyến metro số 2, số 4 và số 6.

Ngoài ra, nghiên cứu bổ sung quy hoạch kéo dài tuyến metro số 6, kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và tuyến nối đến Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Riêng một số tuyến đường sắt đô thị đang được tỉnh Bình Dương nghiên cứu kết nối với các tuyến metro số 3b và số 4 của TP HCM, để kịp thời bổ sung vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040, Sở GTVT TP HCM đề nghị Sở GTVT tỉnh Bình Dương sớm có ý kiến chính thức và cung cấp tài liệu liên quan.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sắp vận hành khai thác thương mại đầu năm 2024

Ngoài bổ sung 1 số tuyến đường sắt đô thị vào nghiên cứu, về quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia, Sở GTVT TP HCM đề nghị Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (TEDI South) hỗ trợ nghiên cứu để Sở GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trong đó: Bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt chuyên chở khách kết nối 2 đầu mối đường sắt Thủ Thiêm – Tân Kiên, tận dụng một phần hướng tuyến trước đây được quy hoạch cho tuyến Monorail theo đường Nguyễn Văn Linh.

Song song đó, kết hợp dời depot dự kiến quy hoạch cho đường sắt Bắc – Nam từ vị trí phường Long Trường (TP Thủ Đức) về đầu mối Tân Kiên (huyện Bình Chánh) để giải phóng quỹ đất cho phát triển TP Thủ Đức.

Ngoài ra, nghiên cứu chuyển ga đầu mối hành khách quy hoạch cho tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu (Hà Nội – TP HCM) từ ga Bình Triệu (TP HCM) về ga An Bình (tỉnh Bình Dương) theo đề xuất của tỉnh Bình Dương. Từ đó, chuyển đoạn tuyến đường sắt quốc gia Hòa Hưng – An Bình (từ sau ga An Bình về ga Sài Gòn) thành đường sắt đô thị, giải phóng quỹ đất tại các trạm đầu mối kỹ thuật (Bình Triệu, Chí Hòa…) của đường sắt đô thị hiện hữu trên đoạn này cho phát triển mô hình TOD.

Về quy hoạch mạng lưới đường trên cao, các địa phương thống nhất bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường trên cao, hình thành các trục Bắc – Nam, Đông – Tây kết nối với các tỉnh lân cận như các tuyến:

Trục Bắc – Nam phía Tây từ Vành đai 3 (Quốc -lộ 22) đến cao tốc Bến Lức – Long Thành (đường Nguyễn Hữu Thọ).

Trục Bắc – Nam phía Đông từ nút giao Quốc lộ 13 với Vành đai 3 (tỉnh Bình Dương) đến đường Nguyễn Văn Linh (nút giao cầu Phú Mỹ).

Trục Đông – Tây phía Bắc từ Vành đai 3 đến nhánh phía Tây đi xuyên tâm, kéo dài đến Quốc lộ 1K đến giao với Vành đai 3 (Bình Dương).

Tuyến trên cao dọc Vành đai 2 đi dọc hành lang khép kín đường Vành đai 2 TP HCM.

Bổ sung tuyến trên cao từ nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành đến khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

THU HỒNG

Người lao động