TP.HCM: Nghiên cứu, bổ sung quy hoạch đường ven sông

TP.HCM: Nghiên cứu, bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn

TP.HCM và các địa phương liên quan trong vùng Đông Nam bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đường trên cao, đường ven sông Sài Gòn nhằm hoàn thiện quy hoạch giao thông kết nối vùng.

Một đoạn tuyến Cao tốc Long Thành được đưa vào khai thác. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố và các địa phương liên quan trong vùng Đông Nam bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đường trên cao, đường ven sông Sài Gòn nhằm hoàn thiện quy hoạch giao thông kết nối vùng.

Điều này nhằm kịp thời cập nhật vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Đồ án Quy hoạch chung các tỉnh liên quan trong vùng Đông Nam bộ.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn đã được Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ đặc biệt quan tâm, đặt ra yêu cầu sớm triển khai thực hiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo cảnh quan, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông.

Hiện thành phố đang tập trung rà soát, cập nhật và hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đang triển khai Đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn theo định hướng khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông. Do đó, việc nghiên cứu, cập nhật, bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn trong giai đoạn hiện nay là phù hợp và rất cần thiết.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Quy hoạch-Kiến trúc hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu liên để hoàn thiện phương án hướng tuyến đường ven sông Sài Gòn đảm bảo hài hòa, đồng bộ và phù hợp với quan điểm, định hướng quy hoạch khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên. Dự kiến, phạm vi nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn đến giáp ranh giới tỉnh Tây Ninh và nghiên cứu giải pháp kết nối với mạng lưới giao thông tỉnh Tây Ninh để phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, tăng cường khả năng kết nối vùng.

Tuyến này sẽ tận dụng tối đa các tuyến đường hiện hữu chạy dọc sông Sài Gòn (đã được đầu tư) để hoạch định hướng tuyến quy hoạch một cách linh hoạt, phù hợp với hiện trạng, cảnh quan đô thị dọc sông; mục tiêu là hình thành trục đường ven sông Sài Gòn.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương hỗ trợ cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến quy hoạch đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương để hoàn thiện phương án quy hoạch đường ven sông Sài Gòn đảm bảo kết nối hài hòa giữa 2 địa phương.

Cùng với đường ven sông, Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẩn trương khẩn trương nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường trên cao trong giai đoạn hiện nay nhằm phù hợp với tình hình thực tế và kịp thời cập nhật vào quy hoạch. Khi các tuyến cao tốc, vành đai đang dần dược hình thành và khép kín, việc nghiên cứu hình thành các tuyến đường trên cao xuyên tâm, hướng tâm sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các đầu mối giao thông cửa ngõ và khu vực nội đô của thành phố, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Việc bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường trên cao sẽ giúp hình thành các trục Bắc-Nam, Đông-Tây kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận, phù hợp với định hướng phát triển giao thông của các địa phương. Một số tuyến được nghiên cứu như trục Bắc-Nam phía Tây (tuyến Bắc-Nam 1), từ Vành đai 3 (Quốc lộ 22) đến cao tốc Bến Lức-Long Thành (đường Nguyễn Hữu Thọ); trục Bắc-Nam phía Đông (tuyến Bắc-Nam 2), từ nút giao Quốc lộ 13 với đường Vành đai 3 (địa bàn tỉnh Bình Dương) đến đường Nguyễn Văn Linh (nút giao cầu Phú Mỹ).

Trục Đông-Tây phía Bắc (tuyến Đông-Tây), từ Vành đai 3-nhánh phía Tây (địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) đi xuyên tâm, kéo dài kết nối với Quốc lộ 1K đến giao với Vành đai 3 (tỉnh Bình Dương); tuyến trên cao dọc Vành đai 2, đi dọc theo hành lang khép kín tuyến Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung tuyến trên cao từ nút giao cao tốc Bến Lức-Long Thành (đường Rừng Sác) đến khu đô thị lấn biến Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ./.

Tiến Lực

Vietnamplus