Hà Nội: Hạn chế dân cư ở nội thành phải bằng quy hoạch
Các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần hạn chế di dân vào nội thành bằng công cụ quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng chứ đừng chỉ chăm chăm vào các quy định hành chính, cứng nhắc, gây khó cho người dân…
UBND TP Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến của người dân và các cơ quan, tổ chức liên quan về dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Phải có chỗ ở diện tích tối thiểu 15 m2
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho hay dự thảo lần này đưa ra quy định người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận của Hà Nội phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2/người; tại 17 huyện và thị xã Sơn Tây là 8 m2/người.
Ông Ky giải thích điều này nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú năm 2020, tạo cơ sở pháp lý để TP quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. “Đây là một trong những biện pháp hạn chế tình trạng di dân tự phát từ nông thôn đến các TP lớn, giảm mật độ dân cư tập trung, từ đó giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội” – ông Ky nói.
Về căn cứ để đưa ra tiêu chuẩn người thuê, mượn, ở nhờ trong các quận nội thành phải có diện tích tối thiểu 15 m2/người, ông Ky cho biết đây là tiêu chuẩn đã từng đưa ra trong hai nghị quyết 11/2013 và 16/2016 của HĐND TP Hà Nội. Cả hai nghị quyết trên đều quy định người thuê nhà (chưa có quy định đối với người ở nhà mượn hoặc ở nhờ) ở khu vực nội thành phải có diện tích tối thiểu 15 m2/người mới được đăng ký thường trú.
Tuy nhiên, ông Ky cũng thừa nhận các quy định này “không phát huy hiệu quả” đối với việc hạn chế người dân di cư từ các tỉnh khác về Hà Nội.
Ông Ky cũng cho hay một căn cứ khác để đưa ra mức diện tích tối thiểu 15 m2/người tại khu vực nội thành là chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể, chương trình này đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở tối thiểu là 10 m2/người và đến năm 2030 là 12 m2/người. Về diện tích nhà ở bình quân toàn TP đến năm 2025 là 29,5 m2/người, trong đó khu đô thị đạt 31 m2/người và nông thôn đạt 28 m2/người; diện tích nhà ở bình quân toàn TP đến năm 2030 là 32 m2/người, trong đó khu đô thị đạt 33 m2/người và nông thôn đạt 28 m2/người.
Quy định này nhằm giảm mật độ dân cư tập trung và từ đó giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng của TP Hà Nội. Ảnh minh họa: PHI HÙNG |
Hạn chế dân cư phải bằng quy hoạch
Góp ý cho dự thảo quy định này, ông Bạch Thành Định, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đề nghị cần xem xét lại việc quy định diện tích tối thiểu đối với người ở nhà thuê, mượn, ở nhờ để đăng ký thường trú “có phải là biện pháp chủ đạo để hạn chế dân cư vào TP không”?
Theo ông Định, hiện nay với cơ sở dữ liệu dân cư đang được xây dựng, hoạt động thì việc quản lý xác định người thường trú, tạm trú đã đơn giản hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, hiện các nước phát triển không nước nào hạn chế di dân vào nội thành bằng biện pháp hạn chế quyền tự do cư trú của cư dân.
“Làm thế nào để giảm di dân vào nội thành? Đơn giản là không cho phép xây dựng chung cư, cao ốc mới ở khu vực nội thành, khu vực này chỉ cho phép tôn tạo. Muốn xây dựng mới, phải rời ra ngoài bán kính 30-40 km. Như thế thì nội thành làm sao tăng được dân số. Hạn chế dân cư bằng công cụ quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng mới là biện pháp đúng” – ông Định nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng cần làm rõ vì sao từ năm 2013 đến nay, cả hai nghị quyết 11/2013 và 16/2016 của HĐND TP Hà Nội đều không phát huy hiệu quả. Rất cần có đánh giá tác động. Thật sự không hiệu quả do đâu, do công tác tổ chức thực hiện hay do chính sách đưa ra không đúng, không phù hợp? Giai đoạn 2011-2021 mục tiêu giãn dân, giảm tăng dân số ở khu vực nội thành không đạt do đâu?” – ông Dĩnh đặt câu hỏi.
Ông Dĩnh cũng bày tỏ băn khoăn khi trong chương trình phát triển nhà ở, Hà Nội đặt mục tiêu có diện tích nhà ở tối thiểu năm 2025 là 10 m2/người, đến năm 2030 là 12 m2/người. “Chúng ta quy định 15 m2/người tại khu vực nội thành thì một hộ bốn người phải có 60 m2 sàn mới đủ. Bây giờ khu vực nội thành bình quân một người có 8 m2 sàn nhà ở còn khó, quy định 15 m2/người có khả thi không? Quy định thế này có làm giảm tải dân số ở khu vực nội thành không?” – ông Dĩnh nói.
Ông Dĩnh cho rằng để hạn chế dân cư vào nội thành cần nhiều giải pháp về quy hoạch như hạn chế xây cao ốc tại nội đô, thực hiện nghiêm các chủ trương di dời nhà máy, trường học, bệnh viện, công sở ra ngoại thành. Theo đó, ông đề nghị rà soát, tính toán lại tính khả thi khi đưa ra tiêu chí “ở nhà thuê 15 m2 mới được đăng ký thường trú ở nội thành”, tránh trường hợp ban hành rồi không thực hiện được và người dân vẫn di cư vào nội thành, vẫn tăng dân số.•
Mật độ dân số trung bình của Hà Nội khoảng 2.390 người/km2 Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, đến nay Hà Nội có 2.083.032 hộ với hơn 7,85 triệu nhân khẩu, trong đó đăng ký thường trú là 1.979.599 hộ với gần 7,3 triệu nhân khẩu. Cư dân tỉnh ngoài đăng ký tạm trú trên địa bàn Hà Nội là 103.433 hộ với 559.509 nhân khẩu. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội khoảng 2.390 người/km2, phân bố không đồng đều, tập trung nhiều ở các quận nội thành. Một số quận có mật độ dân số trung bình rất cao, đều trên 24.000 người/km2 như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trung, Thanh Xuân, Cầu Giấy. |
TRỌNG PHÚ
Pháp luật TPHCM