Đại biểu Lê Thanh Vân: Nhà nước chưa dẫn dắt, định hướng thị trường bất động sản
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng tờ trình dự thảo của Chính phủ về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) thiếu vắng những quy định mang tính chất dẫn dắt, định hướng vai trò của Nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng |
Chiều 19/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 19/6, sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này. Tại tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ vai trò điều tiết của Nhà nước, bảo đảm tính dẫn dắt định hướng của Nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, thị trường bất động sản đang sa vào phân khúc cao cấp và đây chính là “cục máu đông” của thị trường.
“Thị trường phân phúc cao cấp phát triển quá cao, mật độ biệt thự, nhà liền kề trong các dự án nhiều. Giá trị bất động sản trong phân khúc này rất lớn nên dòng tiền trong xã hội, tín dụng đổ hết vào đây. Phân khúc cao cấp đem lại lợi nhuận rất nhanh, đầu tư vào căn biệt thự kiếm được chênh lệch vài ba tỷ đồng, thậm chí vài chục tỷ đồng, nhưng đầu tư vào chung cư bình dân thu về lợi nhuận vài chục triệu là nhiều,” ông Vân phân tích.
Ngoài ra, Đại biểu Vân nhìn nhận sự tham gia của 3 nhà nhà đầu tư, nhà phân phối, nhà đầu cơ nhỏ lẻ làm cho giá bất động sản không phù hợp với giá trị thật, dẫn tới không ai mua, trong khi đó thị trường trung cấp mức độ nhu cầu của xã hội cũng bình thường.
Trong khi đó, phân khúc nhà bình dân, nhà cho công nhân, người thu nhập thấp thì lại không điều tiết bằng chính sách vĩ mô. Thời gian qua, thị trường bất động sản trôi nổi, tuỳ thuộc theo nhà đầu tư dẫn dắt chứ không phải do Nhà nước dẫn dắt.
“Do đó, vai trò của Nhà nước trong từng thời kỳ là rất quan trọng. Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản lần này vẫn chưa có hình bóng nào đấy xác lập vai trò của Nhà nước trong dẫn dắt, định hướng thị trường,” Đại biểu này nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng Việt Nam chưa có các chỉ số giá đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản được công bố chính thức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hay Tổng cục Thống kê.
Từ đó, Đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát sửa đổi việc công bố thông tin đăng ký đất đai nhà ở và thị trường bất động sản bao gồm các thông tin theo quý, năm của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản là kênh thông tin chính thức, thường xuyên nhất hiện nay, cập nhật các số liệu báo cáo, đánh giá về thị trường bất động sản.
Đồng tình quan điểm này, Đại biểu Tống Văn Băng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho biết hiện nay có nhiều dự án bị bỏ hoang nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn khi dự án được cấp phép, chỉ mới xây hàng rào, cổng nhưng đã đi chào bán… Người dân không có nhiều thông tin về các dự án này sẽ dễ bị lừa.
Ông Băng kiến nghị cần có thể nghiên cứu thêm cơ sở dữ liệu về mức tín nhiệm của cư dân về chất lượng công trình, vận hành của các doanh nghiệp đã xây dựng để nâng cao trách nhiệm cho các chủ đầu tư.
Còn theo đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng quy định của dự thảo Luật về việc Nhà nước điều tiết khi có biến động là chưa đủ mạnh. Đại biểu dẫn chứng thực tế thị trường bất động sản ở một số quốc gia khác và cho biết như tại Trung Quốc hiện dư thừa hơn 30 triệu ngôi nhà chưa bán được, hoặc có những căn nhà đã bán nhưng không có người ở…gây lãng phí. Đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng cần có quy định về việc điều tiết của Nhà nước một cách tốt hơn và sớm hơn bởi nếu chỉ điều tiết khi thị trường có biến động là sẽ không kịp.
Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, cần các quy định về phương pháp điều tiết của Nhà nước như có chính sách về thuế nhằm hạn chế tính trạng đầu cơ nhà ở, hay quy đinh về thủ tục hành chính để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lâu dài. Đại biểu cũng cho biết thêm, khi thảo luận về dự án Luật Nhà ở, các đại biểu quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, trong trường hợp Nhà nước có sự điều tiết tốt thì chỉ những người có nhu cầu thực sự mới mua nhà ở xã hội và sẽ không còn cảnh người không có nhu cầu nhưng vẫn mua để đầu cơ, mua bán sang tay, mua đi bán lại.
Cùng quan điểm với các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định cơ cấu lại thị trường bất động sản. Dự án luật phải thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thị trường bất động sản. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, Nghị quyết yêu cầu cơ cấu lại thị trường bất động sản nghĩa là hiện nay cơ cấu thị trường chưa thực sự hợp lý. Vậy luật này góp phần cơ cấu lại thị trường này thế nào?
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện các phân khúc trong cơ cấu thị trường bất động sản không hợp lý trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương. Theo đó, phân khúc cao cấp thì quá nhiều. Nhà ở xã hội đến nay mới coi trọng nhưng lại chưa có chính sách đột phá, do đó, cần có chính sách để điều tiết, cơ cấu lại thị trường.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ thực trạng hiện nay thị trường bất động sản có nhiều vấn đề như báo chí vẫn thường sử dụng các cụm từ “bong bóng bất động sản”, “thị trường bất động sản đóng băng” hay “thị trường phát triển nóng”…Vấn đề đặt ra là ban hành Luật mới có phát huy được những kết quả đã đạt được, góp phần tháo gỡ vướng mắc để thị trường phát triển lành mạnh, lâu dài.
Ngoài ra cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc việc bắt buộc mua bán bất động sản qua sàn mà có quy định tùy nghi, đối với giao dịch nhỏ lẻ của người dân thì để người dân tự lựa chọn có giao dịch qua sàn hay không; đồng thời để bảo đảm tăng cường quản lý, có cơ sở dữ liệu về giá nhà thì cần có quy định về đăng kí sau khi giao dịch thành công. Các đại biểu cũng đề nghị cần có nguyên tắc công khai thông tin, bảo đảm minh bạch dữ liệu về nhà đất, có quy định về trách nhiệm phải công khai thông tin; đề nghị bổ sung cung cấp công khai thông tin về dự án nhưng không được thực hiện, cơ sở dữ liệu về mức tín nhiệm của công dân về chất lượng và vận hành các công trình, dự án.
Nhật Quang
FILI