Vành đai 3 TP.HCM: Những hành động “biết nói”
Ngày 16/06/2022, Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết số 57 thông qua chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76.34 km, đi qua bốn địa phương bao gồm: đoạn qua TP.HCM 47.51 km; Đồng Nai 11.26 km; Bình Dương 10.76 km và Long An 6.81 km.
Trên đoạn đường 47.51 km của TP.HCM có 2,377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25,610 tỷ đồng.
Ngày 18/06/2023, tròn 1 năm lẻ…2 ngày, TP.HCM tổ chức lễ khởi công Dự án xây dựng đường Vành đai 3 – đoạn qua thành phố. Đây được xem là kết quả của một quá trình phối hợp hành động không ngừng của Chính phủ, các bộ ngành trong việc tháo gỡ các vướng mắc, kiến tạo những cơ chế mới, đột phá; của Quốc hội trong công tác thẩm định và nhanh chóng đi tới quyết định; của 4 địa phương có dự án trong động thái kết nối, phân vai, thúc đẩy mạnh mẽ.
“Điều đáng mừng là chúng ta đã có chính sách đối với dự án Vành đai 3 TP.HCM mở đường về chủ trương đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Đây là một bước tiến đáng kể khi đã tạo sự chủ động cho thành phố, phù hợp với tình hình thực tiễn để bố trí vốn được ngay cho đối tượng đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn và tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng của thành phố” Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi |
Từ dự án Vành đai 3, đã mở ra một quy trình pháp lý chặt chẽ và đồng bộ; một lộ trình thực thi minh bạch, nhất quán sẽ hướng tới áp dụng chung cho cả nước. Mà trước hết là những công trình hạ tầng đô thị – giao thông trọng điểm quốc gia ở các địa phương sẽ thụ hưởng các điểm sáng được thí điểm từ Vành đai 3 TP.HCM.
Chỉ tính riêng khâu xương xẩu nhất của dự án là giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa thì Vành đai 3 đến trước ngày khởi công đã có tổng cộng 335ha/410ha đất cần thu hồi phục vụ thi công Dự án Vành đai 3 được 4 địa phương thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư, đạt tỷ lệ 81.5%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70%. Trong đó, huyện Hóc Môn đạt 93%, huyện Bình Chánh đạt 86%.
Với mức giá đền bù tiệm cận giá thị trường, với thủ tục nhanh gọn, minh bạch nên hầu hết người dân đều chấp thuận bàn giao sớm, đồng thuận theo chủ trương dự án. Cùng với đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ quỹ nhà tái định cư, quỹ căn hộ chung cư tái định cư kèm theo các chính sách cho trả góp, trả chậm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đảm bảo cho họ có một nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo sự an tâm, ổn định lâu dài. Đây là “kỳ tích” không chỉ đong-đếm bằng tiền mà một chính quyền tạo dựng được với người dân thành phố.
Tính chủ động kết nối và ngồi lại cùng các địa phương bạn, tính hành động và thúc đẩy, giám sát thực thi xuyên suốt ở các cấp, các khâu của TP.HCM đã lượng hóa thành các đầu việc được hoàn tất để tiến tới khởi công dự án. Trong đó, chỉ tính riêng về khâu khắc phục thiếu nguyên vật liệu (cát xây dựng, cát đắp nền) đã nhanh chóng được phối hợp ứng phó. Cụ thể là Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sau khi chỉ đạo kiểm tra về mặt chuyên môn các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng, được lãnh đạo tỉnh Tây Ninh chấp thuận và xác nhận “trữ lượng cát ở Dầu Tiếng bảo đảm khai thác để phục vụ dự án đường Vành đai 3”, ông đề nghị 3 tỉnh bạn cho phép khai thác cát ở khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ dự án.
Ở phạm vi thành phố, thúc đẩy hành động đi kèm với tính kỷ cương, không được viện bất cứ lý do thiếu chính đáng nào để làm chậm trễ, ách tắc “đường đi” của dự án. Mà trường hợp lãnh đạo CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn có biểu hiện không hợp tác, không chịu bàn giao mặt bằng , đưa ra nhiều yêu sách bất hợp lý đã bị xem xét xử lý kỷ luật Đảng là một ví dụ.
Trong khi đó, ở cấp trung ương, tính kiến tạo của chính phủ và các bộ ngành lần đầu tiên được “thí điểm” ở một dự án hạ tầng khu vực – địa phương. Mà trước hết là tạo cơ chế mở trong việc điều chuyển – huy động – bố trí nguồn vốn một cách linh hoạt; nhất là ủy thác sự chủ động cho chính quyền địa phương. Cụ thể là các bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển nguồn vốn 17,146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về cho các địa phương (có dự án); bố trí nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ (hơn 14,233 tỷ đồng) cho dự án về các địa phương; tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Đặc biệt, Vành đai 3 hội đủ những cái “đầu tiên” như: cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc như báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch liên quan; lựa chọn nhà thầu…; được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; áp dụng các cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thực hiện cơ chế chuyên gia tham vấn cho dự án ngay từ những chuẩn bị tiền khả thi…
Dự án Vành đai 3 TP.HCM với kỳ vọng kết nối 4 địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ khơi thông sức mạnh liên kết – nội sinh của cực tăng trưởng vùng – TP.HCM. Mà bước đi đầu tiên – như một kỳ tích – được tạo lập bởi tháo gỡ các vướng mắc cùng lúc trên cả 3 mặt cơ chế – hạ tầng – nhân lực.
“Để có thể hoàn thành Dự án như mục tiêu đã đề ra, trong giai đoạn sau lễ khởi công Dự án, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu, 4 địa phương cùng các đơn vị liên quan phải tiếp tục cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức vô cùng to lớn, đó là: đạt tỷ lệ 100% công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 31 tháng 12 năm 2023; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tư vấn, nhà thầu tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn trên 47km Vành đai 3 đoạn đi qua thành phố; giải quyết thật tốt bài toán vật liệu; phối hợp đồng bộ với các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương trong quá trình triển khai và hoàn thành Dự án”. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM |
Quốc Học
FILI