Khu dân cư Dầu Giây và cơ ngơi của “đại gia” Đặng Phước Dừa (Kỳ 1)
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới đây có buổi giám sát khu dân cư Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, đồng thời đề nghị làm rõ việc tuân thủ pháp luật về giao đất dự án.
Làm rõ việc giao đất tại khu dân cư Dầu Giây của Phú Việt Tín
Theo thông tin từ Báo Đồng Nai, ngày 16/05, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có buổi giám sát UBND huyện Thống Nhất và UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật trong xây dựng dự án khu dân cư A1-C1 (đô thị Dầu Giây), huyện Thống Nhất.
Khu dân cư Al-C1 được UBND huyện phê duyệt hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào tháng 11/2005 với quy mô 160ha. Tháng 06/2009, UBND tỉnh có văn bản về việc thỏa thuận địa điểm cho CTCP Phú Việt Tín lập thủ tục đầu tư dự án khu dân cư A1-C1 với tổng diện tích quy hoạch khoảng 160ha. Tháng 05/2010, UBND huyện Thống Nhất phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án. Đến nay, dự án đã qua 6 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch với quy mô hiện trạng lập quy hoạch hơn 93ha.
Trong quá trình thực hiện, dự án đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích 53ha và đã được Sở Xây dựng nghiệm thu hoàn thành.
Trong diện tích đất đã được nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật, hiện đã có 1,660/2,008 lô đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng và CTCP Phú Việt Tín.
Ngoài ra, do trước đây Phú Việt Tín đã ký hợp đồng với khách hàng không đúng quy định đối với 590 lô đất nên hiện tại Công ty đang chờ cơ quan chức năng có ý kiến xử lý vấn đề này.
Đến nay, sau 11 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1, 2, 3 với tổng diện tích 53ha. Phần diện tích còn lại do UBND tỉnh chưa gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nên chưa đầu tư hạ tầng các giai đoạn 4, 5, 6. Vì vậy, huyện kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ chủ đầu tư gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý để đủ điều kiện ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định.
Huyện Thống Nhất cũng kiến nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho các hộ dân đã đặt cọc 95% giá trị lô đất được xây dựng nhà ở tại các khu vực đã hoàn thiện hạ tầng thuộc giai đoạn 1, 2, 3 của dự án.
Tại buổi giám sát, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường đề nghị UBND huyện Thống Nhất và các sở, ngành làm rõ các vấn đề về việc giao đất cho Công ty Phú Việt Tín có đúng pháp luật, giao đất theo hình thức thu tiền sử dụng đất hay đấu giá, đấu thầu.
Chi cục Thuế huyện Thống Nhất tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, đặc biệt là nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Đồng thời, làm rõ việc thay đổi pháp nhân tại dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc giao đất của dự án; nếu việc giao đất là đúng quy định pháp luật thì sớm gia hạn để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Theo tìm hiểu của người viết, toàn bộ quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty Phú Việt Tín phát sinh từ việc kinh doanh và khai thác khu dân cư A1-C1 tại thị trấn Dầu Giây và xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất đối với giai đoạn 2 quy mô 43ha, được Công ty Phú Việt Tín thế chấp tại VietinBank – chi nhánh Đồng Nai.
Một góc khu dân cư A1-C1. (Nguồn: Báo Thanh Niên) |
Ai đứng sau Phú Việt Tín
CTCP Phú Việt Tín được thành lập vào năm 2008, nay đã đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín. Theo giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi vào ngày 18/08/2014, Công ty có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, các cổ đông gồm: CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín, gọi tắt là Công ty Việt Tín, sở hữu 51% (trong đó ông Đặng Phước Đừa đại diện sở hữu 39%, ông Trần Xảo Cơ đại diện 12%), Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (đại diện là ông Nguyễn Thuận) nắm 25%, CTCP Khu Công nghiệp và Đô thị Đức Hòa III – Resco (đại diện là ông Nguyễn Bá Lý) giữ 24%.
Được biết, ông Bình (sinh năm 1984) và bà Tiên (sinh năm 1980) đều là con của ông Dừa. Công ty Việt Tín hiện do ông Bình đứng tên. Còn ông Trần Xảo Cơ là Chủ tịch HĐQT CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA), CTCP Minh Hữu Liên, CTCP Thép Nam Kim (NKG) giai đoạn 2007 – 2010. |
Sau biến cố ông Nguyễn Bá Lý mất, ông Đặng Phước Bình trở thành đại diện phần vốn của Khu Công nghiệp và Đô thị Đức Hòa III – Resco tại Phú Việt Tín.
Tháng 03/2018, phần vốn Phú Việt Tín do ông Trần Xảo Cơ đại diện sở hữu được chuyển cho bà Đặng Phước Thủy Tiên.
Tháng 04/2018, CTCP Khu Công nghiệp và Đô thị Đức Hòa III – Resco thoái hết vốn tại Phú Việt Tín, cơ cấu cổ đông biến động khi Việt Tín tăng sở hữu lên 92.188% (trong đó ông Dừa đại diện sở hữu 56.188%, ông Bình 24% và bà Tiên 12%), Cao su Đồng Nai 7.812%.
Tháng 01/2022, Công ty nâng vốn lên hơn 321.2 tỷ đồng; trong đó, Thương mại Việt Tín tăng sở hữu lên 96.11%, Cao su Đồng Nai giảm sở hữu còn 3.89%. Tháng 12/2022, cơ cấu cổ đông thay đổi khi bà Tiên nắm sở hữu 65.353%, Việt Tín 30.757%, Cao su Đồng Nai 3.89%. Ông Đặng Phước Bình giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện pháp luật. Chức vụ này trước đó đều do ông Đặng Phước Dừa giữ từ khi công ty mới thành lập.
Thông tin về tên gọi cũ của CTCP Phú Việt Tín |
Liên quan tới Công ty Phú Việt Tín, theo Báo Đồng Nai đưa tin, ngày 15/05/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định trả hồ sơ lần thứ 3 để điều tra lại hành vi phân lô bán nền dự án của Công ty Phú Việt Tín đối với Nguyễn Thuận (49 tuổi), Phùng Thanh Sơn (49 tuổi) và Đào Thị Thùy Trang (41 tuổi), cùng ngụ TP. Long Khánh.
Theo cáo trạng, vào năm 2013, UBND tỉnh có quyết định giao đất cho Công ty đầu tư xây dựng khu dân cư A1-C1 theo quy hoạch tại xã Bàu Hàm 2. Dự án dự kiến kéo dài 5 năm với tổng diện tích 96ha và chia thành 4 giai đoạn. Các giai đoạn 1, 2 đã được Công ty triển khai xong. Năm 2017, Công ty Phú Việt Tín làm giai đoạn 3 với tổng 590 nền đất.
Từ tháng 06/2017 – 06/2018, Nguyễn Thuận đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Kinh doanh, Phòng Kế toán, Phòng Hành chính công ty ký hợp đồng mua bán với khách hàng hơn 580 nền đất, tổng số tiền hơn 590 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng đã đặt cọc gần 467 tỷ đồng (95% giá trị hợp đồng). Với số tiền này, Nguyễn Thuận đã nộp vào tài khoản Phú Việt Tín hơn 230 tỷ đồng, còn lại hơn 235 tỷ đồng để ngoài sổ sách và Thuận giữ trực tiếp.
Theo TAND tỉnh, HĐXX xác định, trong tổng số 235 tỷ đồng ngoài sổ sách do Thuận giữ, hơn 170 tỷ đồng đã được chuyển vào tài khoản cá nhân và đưa tiền mặt cho ông Đặng Phước Dừa (Chủ tịch HĐTV Công ty Phú Việt Tín) để sử dụng cá nhân, làm chi phí chạy dự án; chi hoàn ứng cho bà Đặng Phước Thủy Tiên (thành viên công ty, con gái ông Dừa) gần 33 tỷ đồng; hoàn ứng cho ông Đặng Phước Bình (con trai ông Dừa) hơn 4.2 tỷ đồng; hoàn ứng cho ông Đặng Phước Dừa hơn 12 tỷ đồng và chi gần 3 tỷ đồng cho Nguyễn Thuận để cho hoạt động công ty, 6 tỷ đồng do Thuận giữ trong tài khoản cá nhân và chi một số vấn đề khác. Số tiền còn lại nằm ngoài sổ sách chỉ còn hơn 4 tỷ đồng.
Quá trình điều tra thể hiện ông Dừa có nhận số tiền trên nhưng ông cho rằng, đây là tiền ông vay của bị cáo Nguyễn Thuận và đã trả lại cho Công ty. Trong khi theo bị cáo Thuận xác định thì số tiền này là do ông Dừa chỉ đạo bị cáo chuyển cho ông Dừa. Do đó, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra chứng minh rõ số tiền nằm ngoài sổ sách đã dùng vào việc gì và khoản tiền đưa cho ông Dừa là vay mượn hay do chỉ đạo từ ông Dừa để có cơ sở đưa vụ án ra xét xử.
Kỳ 2: Cơ ngơi của ông Đặng Phước Dừa và gia đình
Thu Minh
FILI