Khu du lịch Lan Anh

Khu du lịch Lan Anh – Đà Lạt của ông chủ Sóng Việt bị cấm chuyển nhượng

UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây có văn bản yêu cầu CTCP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt không được chuyển nhượng dự án khu du lịch Lan Anh – Đà Lạt cũng như tài sản trên khu vực đất thuê của Nhà nước bằng bất kỳ hình thức nào.

UBND tỉnh cho biết, vào tháng 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về kết quả kiểm tra việc CTCP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt ký hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng một số căn biệt thự thuộc dự án khu du lịch Lan Anh – Đà Lạt cho các cá nhân khác.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu CTCP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt thực hiện việc đầu tư, khai thác kinh doanh các hạng mục công trình tại dự án  đúng mục tiêu quy định theo Giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, Công ty không được phép chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản trên đất thuê của Nhà nước tại dự án khu du lịch Lan Anh – Đà Lạt dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa thực hiện đầu tư hoàn thành dự án và khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.

Đối với các hợp đồng đã ký kết, Công ty phải thực hiện điều chỉnh nội dung theo đúng quy định pháp luật về góp vốn đầu tư và chịu trách nhiệm về nội dung hợp đồng.

Được biết, khu du lịch Lan Anh Đà Lạt có diện tích 70ha nằm tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP. Đà Lạt. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu du lịch cao cấp, tôn tạo cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước. Dự án gồm nhiều phân khu, trong đó có hơn 200 căn biệt thự nghỉ dưỡng được xây dựng dưới rừng thông, bên cạnh hồ Tuyền Lâm.

Thời hạn hoạt động của dự án được cấp phép là 50 năm, kể từ năm 2008.

Một góc khu du lịch Lan Anh Đà Lạt, cách Hồ Tuyền Lâm khoảng 700 m, Quảng trường Lâm Viên 5 km và Công viên Yersin 5 km.

Trước khi về tay chủ đầu tư hiện tại, dự án do Công ty TNHH May thuê Thương mại Lan Anh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên vào tháng 03/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản thu hồi đất đã cho Công ty TNHH May thuê Thương mại Lan Anh thuê và cho CTCP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt thuê lại tiếp tục thực hiện dự án khu du lịch Lan Anh – Đà Lạt.

CTCP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt cũng đã có liên quan đến dự án trước khi được UBND tỉnh bàn giao đất. Cụ thể vào năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ ra sai phạm của CTCP Đầu tư Lý Khương trong việc tự ý xây dựng công trình tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm mà không có giấy phép. UBND tỉnh yêu cần các tổ chức liên quan, trong đó có CTCP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt khẩn trương khắc phục hậu quả theo đúng quy trình.

Ai đứng sau dự án khu du lịch Lan Anh – Đà Lạt?

Mối quan hệ giữa hai đời chủ đầu tư khu du lịch Lan Anh – Đà Lạt, CTCP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt chính là công ty con của Công ty TNHH May thuê Thương mại Lan Anh khi đơn vị này nắm 88.589% vốn điều lệ. Các cổ đông còn lại gồm ông Hà Thành Hùng (6.754%), bà Hà Xuân Hà – con gái ông Hùng (2.33%) và bà Võ Hiếu Dân – vợ ông Hùng (2.329%). Trong đó, ông Hùng là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật Công ty. Từ mức vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt hiện có tổng vốn điều lệ là 429.4 tỷ đồng.

Ông Hà Thanh Tùng

Ông Hà Thanh Tùng (sinh năm 1955) là người sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Sóng Việt – một doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không tại hầu hết sân bay nội địa và quốc tế tại Việt Nam.

Được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 191.2 tỷ đồng, Sóng Việt nổi tiếng ở mảng quảng cáo sân bay, kinh doanh bán lẻ, thu đổi ngoại tệ, vận chuyển hành khách, vệ sinh khử trùng. Ngoài ra, Công ty còn sở hữu chuỗi nhà hàng Confetti, nhà hàng YUN và hệ thống cửa hàng MiMiSo.

Trong mảng bất động sản, Sóng Việt có hai dự án là chung cư Bình Chánh và khu biệt thự Đà Lạt Green, bên cạnh đó là trung tâm kinh doanh tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) và 7 chi nhánh tại các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Phú Bài (Huế), Đà Nẵng, Tuy Hòa (Phú Yên), Buôn Mê Thuột, Liên Khương (Đà Lạt), Cam Ranh (Khánh Hòa).

Một quầy thu đổi ngoại tệ của Sóng Việt hợp tác với Eximbank

Giai đoạn 2013 – 2015, ông Hùng từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) và Thành viên HĐQT CTCP Bất động sản Eximland – công ty liên kết của EIB. Trong thời gian này, ông Hùng và Sóng Việt có thời điểm sở hữu tổng cộng gần 4.7 triệu cp EIB, tương đương 0.38%.

Ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch Eximbank và ông Hà Thanh Hùng – Phó chủ tịch thường trực (phải) tại ĐHĐCĐ EIB vào năm 2015.

Quay trở lại với Công ty TNHH May thuê Thương mại Lan Anh được thành lập từ năm 1993, do bà Võ Hiếu Dân làm Chủ tịch HĐQT. Công ty hiện có vốn điều lệ là 58 tỷ đồng, trong đó bà Dân nắm 98.28%, còn lại bà Hà Xuân Hà nắm 1.72%.

Một góc khu biệt thự Lan Anh Village tại thành phố Thủ Đức, TPHCM

Dù vốn điều lệ khá khiêm tốn nhưng Công ty TNHH May thuê Thương mại Lan Anh lại đang sở hữu 1 trong những dự án có vị trí “đất vàng” tại TPHCM – khu biệt thự Lan Anh Village nằm ven bờ sông Sài Gòn, ngay chân cầu Thủ Thiêm 2 và cách trung tâm quận 1 chỉ 5 phút chạy xe. Dự án có tổng diện tích hơn 4ha với 45 căn biệt thự 1 trệt 2 lầu.

Hà Lễ

FILI