Gói 120.000 tỷ đồng được dự báo thúc đẩy doanh nghiệp ồ ạt xây nhà xã hội để tiếp cận vốn rẻ (lãi suất 8,7% một năm), hứa hẹn cải thiện nguồn cung nhà giá thấp.
Đầu tháng 4, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030 (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Ngân hàng Nhà nước sau đó cũng hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Theo đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.
Theo các chuyên gia, gói tín dụng này sẽ có những tác động tích cực đến các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội nhờ mức lãi suất khá cạnh tranh. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu dự báo gói 120.000 tỷ có thể thổi bùng xu hướng các doanh nghiệp địa ốc chạy đua làm nhà ở xã hội nhằm tranh thủ cơ hội tiếp cận dòng vốn vay rẻ này.
Ông phân tích, hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại phân khúc bình dân, sản phẩm có giá vừa túi tiền với chỉ số rủi ro thấp (so với nhà ở cao cấp và hạng sang) cũng chỉ tiếp cận được lãi suất tốt khoảng 11-11,5% một năm. Trong khi đó, với mức lãi suất 8,7% mỗi năm kéo dài trong 3 năm, cho thấy doanh nghiệp chuyển sang phân khúc này sẽ được hưởng lợi thế vốn rẻ (trên dưới 3%).
Đối với quá trình xây dựng nhà ở cao tầng (không tính khâu chuẩn bị thủ tục pháp lý), thời gian hoàn thành dự án phổ biến từ 18 đến 36 tháng, tùy vào việc chuẩn bị dòng tiền đến đâu. Do đó, việc doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất ưu đãi như trên khá thuận lợi cho các chủ đầu tư chuyển sang làm nhà ở xã hội.
Trong bối cảnh thị trường nhà ở lệch pha cung cầu, thừa nhà giá cao thiếu nhà giá thấp, ông Châu cho rằng việc các doanh nghiệp đăng ký xây nhiều nhà ở xã hội có thể giúp cân bằng lại cán cân cung cầu nhà ở. Nếu các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội về đích như số liệu công bố sẽ mở ra cơ hội an cư cho người có thu nhập trung bình thấp lẫn người yếu thế trong xã hội.
Chủ tịch HoREA nói thêm, ngoài việc tranh thủ dòng vốn rẻ, nhiều doanh nghiệp nhảy vào phân khúc này cũng là giải pháp giúp họ cơ cấu lại sản phẩm, giảm hàng giá cao, tăng hàng giá vừa túi tiền, cải thiện thanh khoản đang bế tắc.
Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần |
Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, đánh giá gói 120.000 tỷ đồng có thể giúp lưu thông nhanh tiền tệ trong nền kinh tế nếu các dự án nhà ở xã hội được duyệt pháp lý kịp mốc 30/6 tới đây. Tuy nhiên thực tế cho thấy để duyệt xong pháp lý các dự án nhà ở xã hội với tốc độ nhanh nhất phải mất 12 tháng, tức phải đến năm 2024 mới có dự án nhà ở xã hội đạt chuẩn được giải ngân theo gói này và bước vào quá trình xây dựng, sau đó tạo ra thành phẩm.
Vì vậy, để thúc đẩy lưu thông tiền tệ, tăng tốc giải ngân gói tín dụng trên, cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết nhanh thủ tục hành chính và duyệt cấp phép cho dự án nhà ở xã hội sớm. Song song đó, nên cho phép các doanh nghiệp làm nhà xã hội đã vay thương mại trước đó được chuyển đổi sang gói 120.000 tỷ đồng, giúp chủ đầu tư loại hình này tiếp cận mức lãi suất tốt.
Khi đã có dự án nhà xã hội đầy đủ pháp lý, sẵn sàng xây dựng, bán hàng, dòng vốn rẻ giải ngân từ gói 120.000 tỷ đồng sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Trước mắt gói tín dụng này sẽ có tác động cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội, sau đó mới tính đến việc người có thu nhập thấp cân nhắc mua nhà.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, mức lãi suất 8,7% dành cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội khá cạnh tranh (tương đương với lãi vay kinh doanh sản xuất hiện nay), mức lãi vay 8,2% dành cho người mua nhà xã hội vẫn còn cao. Nếu người thu nhập thấp chần chừ không mua vì lo ngại nặng gánh lãi vay (chỉ duy trì trong 5 năm, sau đó người mua và ngân hàng tự thương lượng lãi suất), có thể làm gián đoạn giải ngân đầu ra gói tín dụng này.
Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lãi suất 8,2% một năm cho người mua nhà ở xã hội xuống thấp hơn, lý tưởng nhất là 5% với cơ chế Nhà nước cấp bù lãi suất trong thời gian dài 20-25 năm, có thể tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát cũng nhìn nhận nếu Nhà nước điều chỉnh lãi vay dành cho người thu nhập thấp xuống mức hợp lý, có thể thúc đẩy dòng tiền từ gói tín dụng này luân chuyển mạnh mẽ trên thị trường, từ đó tạo ra cú hích tích cực trong vòng 6-12 tháng tới ở phân khúc nhà ở này.
Chủ tịch HoREA cũng cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế, lãi suất 8,2% vẫn chưa hỗ trợ được cho người mua là đối tượng thu nhập thấp. Vì vậy, gói tín dụng này có vai trò “chữa cháy”, tức giải quyết được một phần khó khăn trong toàn cảnh bức tranh nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc.
“Gói tín dụng này không phải là cây đũa thần, đây là vốn của ngân hàng thương mại mang ra kinh doanh, mức lãi suất đưa ra mang tính chất nhà băng chia sẻ khó khăn với khách hàng, nên khó có thể đòi hỏi nhiều hơn”, ông Châu đánh giá.
Chia sẻ tại hội thảo về nguồn vốn trong nước và vốn FDI cho thị trường bất động sản, Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh nhà ở xã hội không đơn giản chỉ là vấn đề chỗ ở cho người lao động. Nhà nước cần xem đây là một hệ sinh thái quan trọng của thị trường bất động sản nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Ông Mại đồng tình gói 120.000 tỷ đồng là vốn các ngân hàng thương mại, không phải vốn ngân sách nên không thể bắt các nhà băng phải chịu lỗ hay bù lỗ khi cho vay gói tín dụng này. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ ngành, cơ quan giúp việc cho Chính phủ nỗ lực thực thi thể chế (thiết kế một gói tín dụng riêng dành cho nhà ở xã hội) mới có thể giúp mục tiêu nhà ở xã hội về đích.
“Nếu không có cách tiếp cận nhà ở xã hội bằng chính sách đặc thù, nổi trội sẽ không bao giờ có thể làm được”, ông Mại nói.