Vì sao nhà ở xã hội chưa thể phát triển mạnh?
Theo tờ trình của Chính phủ về luật Nhà ở lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 8 vấn đề đang là rào cản chính khiến nhà ở xã hội chưa thể phát triển mạnh.
Quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội chưa phù hợp
Cụ thể: một là,việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; điều kiện kinh tế, địa lý của từng vùng, miền, địa phương và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân.
Nhu cầu về nhà ở xã hội lớn nhưng đáp ứng chưa được nhiều. Lê Quân |
Hai là,luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức kinh tế nước ngoài, quỹ đầu tư phát triển địa phương tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Một số quy định về hình thức phát triển nhà ở chưa đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua như pháp luật về đầu tư công, đầu tư, đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư, xây dựng…
Ba là,quy định về điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản… dẫn đến trong thời gian qua việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương bị ách tắc, kéo dài.
Bốn là, quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chưa thống nhất với pháp luật về thuế, đầu tư, đầu tư công…
Thiếu vốn phát triển nhà ở xã hội
Năm là, quy định cứng phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê để trống, lãng phí, trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn.
Vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội chưa được bố trí tập trung. LÊ QUÂN |
Sáu là, giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý khác như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% đã làm nản lòng các chủ đầu tư, do lợi nhuận thu được quá thấp.
Bảy là, một số loại hình nhà ở cho các đối tượng chính sách hiện đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn nhưng chưa được luật hóa như nhà lưu trú cho công nhân; nhà ở của lực lượng vũ trang.
Tám là, luật Nhà ở hiện hành chưa cho phép các doanh nghiệp được mua, thuê mua nhà ở xã hội để bố trí hoặc cho cán bộ, nhân viên lao động của doanh nghiệp thuê lại.
Tờ trình cũng nêu một số vướng mắc về tài chính cho phát triển nhà ở chưa tạo điều kiện tốt để phát triển nhà ở xã hội: quy định về nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở chưa cụ thể, rõ ràng và chưa đầy đủ như các nguồn vốn huy động từ cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, quỹ đầu tư phát triển…
Nhất là các nguồn vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội còn hạn chế, dàn trải, chưa đảm bảo đủ để thực hiện cho vay ưu đãi đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, một số quy định liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa thống nhất với pháp luật về đầu tư công.
Lê Quân
Thanh niên