Quy định sở hữu nhà chung cư thế nào là hợp lý?
Ngày 7.3, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án luật Kinh doanh bất động sản và luật Nhà ở sửa đổi, nhiều đại biểu tập trung góp ý về quy định sở hữu nhà chung cư và thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết dự thảo luật Nhà ở sửa đổi đề xuất 2 phương án: một là bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư, theo đó quy định cụ thể về căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ (quy định cụ thể tại điều 25, điều 26 dự thảo luật). Hai là giữ nguyên như quy định hiện hành; người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài. Bộ Xây dựng và đa số các thành viên Chính phủ thống nhất với phương án một.
Phát biểu góp ý, GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban T.Ư MTTQ VN), cho rằng không thể đánh đồng những nhà chung cư xuống cấp, do Nhà nước cho cán bộ thuê, mua lại với những nhà chung cư hình thành quyền sở hữu từ quyền mua, bán hợp pháp qua thị trường, được Nhà nước xác nhận quyền sở hữu hợp pháp.
Do không thể đánh đồng nhà chung cư cũ với nhà chung cư xây dựng, mua, bán theo cơ chế thị trường nên cần có chính sách riêng cho 2 đối tượng này. Một số đại biểu cho rằng thời hạn sở hữu nhà chung cư có liên quan mật thiết đến thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư, nên luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản phải thống nhất với bộ luật lớn hơn là luật Đất đai để tránh chồng chéo, không đồng nhất.
Lê Quân
Thanh niên